leftcenterrightdel
Nhật Bản hiện là thị trường dẫn đầu về tiếp nhận lao động Việt Nam đến làm việc 

Tờ Nikkei Asia vừa đăng tải thông tin, Nhật Bản sắp triển khai một chương trình tuyển dụng nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho thực tập sinh Việt Nam đến nước này làm việc.

Cụ thể, trong thời gian tới, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ làm việc với Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhằm sớm ký kết một thỏa thuận thành lập sáng kiến tuyển dụng công bằng và đạo đức Việt Nam-Nhật Bản (VJ-FERI), dự kiến ra mắt vào mùa thu năm nay.

Theo chương trình này, JICA và các bên tham gia VJ-FERI sẽ kêu gọi người sử dụng lao động Nhật Bản trả hơn một nửa phí tuyển dụng cho các công ty Việt Nam tuyển dụng thực tập sinh và đưa sang Nhật Bản. Một mạng lưới tuyển dụng giữa các công ty Nhật Bản và Việt Nam cũng sẽ được thành lập để thực hiện cơ chế này này.

Trong đó, JP-Mirai, một tổ chức có trụ sở tại Tokyo hoạt động vì quyền lợi của người lao động nước ngoài, sẽ giám sát việc triển khai chương trình. Đồng thời, rà soát các thư mời làm việc để đảm bảo rằng điều khoản của nhà tuyển dụng đáp ứng các điều kiện được nêu trong chương trình. Các cơ quan tuyển dụng Việt Nam sẽ không được phép sử dụng môi giới, còn các công ty Nhật Bản sẽ bị cấm đòi hỏi phúc lợi từ các nhà tuyển dụng.

Chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ thuật hiện nay của Nhật Bản đang vấp phải phản ứng quốc tế khi lao động Việt Nam tham gia chương trình thường phải vay một số tiền lớn để làm việc tại nước này. Theo đó, để đủ điều kiện làm việc tại Nhật Bản, lao động Việt Nam phải trả trung bình 656.000 yên (hơn 100 triệu đồng) cho các cơ quan tuyển dụng trong nước.

Đối với người sử dụng lao động, chi phí tuyển dụng mỗi lao động sẽ tăng thêm hàng trăm nghìn yên khi VJ-FERI được thực thi. Nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng sáng kiến mới này sẽ trở thành một tiêu chuẩn quốc tế khi ngày càng có nhiều quốc gia hướng tới sự tôn trọng quyền lợi của người lao động nhiều hơn.

leftcenterrightdel
Chi phí sang Nhật Bản hiện khá cao, lao động Việt Nam phải chi trả trung bình 656.000 yên (hơn 100 triệu đồng) cho các cơ quan tuyển dụng trong nước 

Số liệu từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, nước này hiện có 2 triệu lao động nước ngoài tính đến tháng 10-2023. Trong số đó, lao động Việt Nam là lực lượng đông đảo nhất, với 518.346 người, chiếm 25,3%.

Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cũng vừa thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2024, hơn 65.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Nhật Bản tiếp tục là thị trường dẫn đầu với 35.208 lao động Việt Nam đến nước này làm việc.

JICA ước tính Nhật Bản sẽ cần 6,74 triệu lao động nước ngoài vào năm 2040 để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm là 1,24%. Là một phần trong nỗ lực đạt mục tiêu này, Nhật Bản sẽ thay thế chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ thuật hiện tại bằng chương trình "đào tạo và việc làm", sớm nhất là vào năm 2027, nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho lao động nhập cư.

Theo nld