Nghề bếp đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn để khởi nghiệp - ẢNH: T.HẰNG

Tại các khách sạn lớn, bếp trưởng đều là người nước ngoài, nghĩa là họ không thể làm tốt những món ăn thuần Việt. Đây là lý do khiến ẩm thực Việt Nam phát triển chậm, chưa góp phần làm đa dạng sản phẩm du lịch của Việt Nam

NGUYỄN XUÂN MINH (Tổng bếp trưởng khách sạn Deawoo Hà Nội)


Đây là cơ hội cho nhiều bạn trẻ chọn nghề bếp với mức lương lên tới hàng chục triệu đồng.

Chỉ 30% đầu bếp được đào tạo qua trường lớp

Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm ngành du lịch Việt Nam cần khoảng 40.000 lao động, trong đó nghề bếp chiếm khoảng 8%. Cả nước có 9.000 khách sạn, nhà hàng, nhưng chỉ có 190 cơ sở đào tạo du lịch, bao gồm cả ĐH, CĐ, trung cấp, sơ cấp và đào tạo ngắn hạn. Cả nước có 44 trường đào tạo ngành công nghệ thực phẩm với khoảng 3.000 sinh viên ra trường hằng năm. Số lượng nhân lực tham gia vào nghề bếp (cả qua đào tạo và chưa đào tạo) chưa năm nào đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng ngày càng tăng.

Ông Nguyễn Xuân Minh, Tổng bếp trưởng khách sạn Deawoo Hà Nội, chia sẻ: “Tại các khách sạn lớn, bếp trưởng đều là người nước ngoài, nghĩa là họ không thể làm tốt những món ăn thuần Việt. Đây là lý do khiến ẩm thực Việt Nam phát triển chậm, chưa góp phần làm đa dạng sản phẩm du lịch của Việt Nam”.

Theo ông Minh, kết quả khảo sát của Hiệp hội Đầu bếp TP.HCM cho thấy chỉ có 30% đầu bếp được đào tạo qua trường lớp. “Thợ nấu bếp theo kiểu truyền nghề bị hạn chế về mặt kiến thức văn hóa ẩm thực, phương pháp bảo quản chế biến thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời cũng không thông thạo các loại hóa phẩm phụ gia và thường gia giảm liều lượng theo cảm tính. Để đưa được ẩm thực thành một sản phẩm du lịch thì việc phát triển nguồn nhân lực cho nghề đầu bếp đóng vai trò chính”, ông Minh nói.

Bà Lê Mai Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, nhìn nhận bên cạnh một số ít đầu bếp có trình độ, năng lực tại nhà hàng ăn uống của các khách sạn có thứ hạng cao (4 - 5 sao) thì phần lớn đầu bếp tại các nhà hàng ăn uống của các khách sạn, đặc biệt từ 3 sao trở xuống còn thiếu và yếu về chuyên môn nghiệp vụ, chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách về chủng loại món ăn và yêu cầu về chất lượng, khẩu vị món ăn của khách.

Bà Khanh cho hay: “Lực lượng đầu bếp có trình độ, tay nghề cao còn rất thiếu so với yêu cầu nên thường xảy ra tình trạng cạnh tranh, giành giật lao động có trình độ và kinh nghiệm, nhất là bếp trưởng giữa các cơ sở lưu trú cùng tỉnh, thành phố hoặc giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước”.

Xây dựng tiêu chuẩn nghề nghiệp

Ông Nguyễn Văn Song, giảng viên Khoa Quản trị chế biến món ăn, Trường CĐ Du lịch Hà Nội, chia sẻ: “Nhu cầu của bạn trẻ học nghề đầu bếp ngày càng lớn, chất lượng đầu vào đã tăng so với những năm trước. Đối tượng tuyển sinh đa phần là sinh viên CĐ”.

Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, mức lương khởi điểm của các nhà tuyển dụng cho vị trí phụ bếp thấp nhất là 7 triệu đồng/tháng. Lương trung bình của các bếp trưởng nhà hàng, khách sạn từ 15 - 20 triệu đồng. Con số này sẽ tăng cao đến hàng trăm triệu đồng với bếp trưởng tại các khách sạn lớn. Ngoài lương, đầu bếp còn được hưởng nhiều khoản trợ cấp, phúc lợi và chế độ đãi ngộ hấp dẫn khác như: tiền típ, thưởng theo doanh thu, chế độ bảo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng hằng năm…

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, có hơn 50.000 đầu bếp đang làm việc trong hệ thống các khách sạn, nhà hàng lớn; ngoài ra, còn có hơn 100.000 đầu bếp khác không nằm trong hệ thống này chưa được quản lý và xếp hạng. Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ đầu bếp, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đang nghiên cứu, đưa ra các tiêu chí để xếp hạng, xây dựng bộ tiêu chí cho đầu bếp Việt Nam với những tiêu chuẩn rõ ràng hơn trong kỹ thuật chế biến món ăn là việc rất cần thiết để phát triển ẩm thực Việt Nam một cách chuyên nghiệp, hướng tới đưa Việt Nam trở thành "bếp ăn thế giới".

Dự kiến có 7 bậc tiêu chuẩn kỹ thuật nghề bếp

Ông Nguyễn Thường Quân, Chủ tịch Hiệp hội Đầu bếp Việt Nam, cho biết dự thảo xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật nghề chế biến món ăn (còn gọi là nghề bếp) được chia làm 7 bậc. Mỗi bậc nghề đòi hỏi người chế biến món ăn phải nắm được những kiến thức nhất định về yêu cầu công việc, hiểu biết nghề nghiệp, kỹ năng nghề và trình độ chuyên môn của từng bậc nghề. Ngoài yếu tố sức khỏe, kiên nhẫn, sáng tạo, yêu nghề là một trong những tiêu chí được lưu ý của các đầu bếp. Trong bối cảnh hội nhập thì ngoại ngữ là cần biết để có thể giao tiếp cơ bản với khách hàng.

Bà Lê Mai Khanh cho biết trong giai đoạn hiện nay, việc nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật chế biến món ăn để xác định đúng trình độ, cấp bậc của đội ngũ đầu bếp rất cần thiết, tạo động lực để các đầu bếp tích cực học tập, trau dồi trình độ chuyên môn, tay nghề để có thể đạt được cấp bậc cao của nghề.

“Để đạt được các cấp bậc, bắt buộc các đầu bếp phải học tại các tổ chức, cơ sở đào tạo có thẩm quyền để có bằng cấp, giấy chứng nhận theo yêu cầu; đồng thời phải có kinh nghiệm, trình độ, tay nghề thực tế tương ứng với cấp bậc được công nhận. Nếu dự thảo tiêu chuẩn được ban hành và áp dụng, chắc chắn trình độ chuyên môn, tay nghề của đội ngũ đầu bếp Việt Nam sẽ từng bước được nâng cao”, bà Khanh nói.

Theo thanhnien