|
|
Kỳ thi kỹ năng đặc định đối với lao động ngành điều dưỡng và hộ lý sẽ được tổ chức sớm tại Việt Nam |
Việt Nam vừa được chấp thuận tổ chức kỳ thi dành cho người lao động (NLĐ) muốn sang Nhật Bản theo diện kỹ năng đặc định (KNĐĐ). Đây là thông tin được nhiều người mong chờ hơn 4 năm qua, từ khi Nhật Bản chính thức mở cửa chương trình lao động KNĐĐ dành cho NLĐ nước ngoài.
Mức lương, đãi ngộ cao hơn
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa thông báo về việc tổ chức kỳ thi dành cho NLĐ muốn có tư cách lưu trú diện KNĐĐ số 1 trong lĩnh vực điều dưỡng và nông nghiệp tại Nhật Bản.
Theo đó, kỳ thi đánh giá kỹ năng chăm sóc sức khỏe liên quan ngành điều dưỡng, hộ lý và bài thi đánh giá năng lực tiếng Nhật chuyên ngành sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Dolab cho biết với bài thi đánh giá năng lực tiếng Nhật chuyên ngành, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam sẽ thông báo chi tiết sau khi hoàn tất khâu chuẩn bị.
Kỳ thi đánh giá kỹ năng 2 ngành nêu trên sẽ tổ chức vào đầu tháng 3-2024 tại Hà Nội. Dolab cũng đang xúc tiến chuẩn bị tổ chức thi năng lực tiếng Nhật cơ bản và kỳ thi trong lĩnh vực bảo dưỡng ô tô vào tháng 5-2024.
Ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc Esuhai Group - người 2 lần được Quốc hội Nhật Bản mời góp ý xây dựng chính sách tiếp nhận thực tập sinh (TTS) và lao động nước ngoài, cho rằng hàng trăm ngàn TTS Việt Nam tại Nhật là những người được hưởng lợi đầu tiên từ các chính sách mới. Theo ông, việc khởi động chương trình lao động KNĐĐ theo cấp độ sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho thị trường này trong thời gian tới.
"Việc cải tiến chính sách lần này giúp phía Nhật thu hút nguồn nhân lực nước ngoài để đáp ứng yêu cầu sản xuất trong nước. Với các quốc gia phái cử lao động, đây cũng là cơ hội để đào tạo được lực lượng lớn lao động có kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ theo tiêu chuẩn cao trong tương lai" - ông Sơn nhận xét.
Những ngành nghề được thị thực lao động KNĐĐ số 1 gồm: vận tải đường bộ, đường sắt, lâm nghiệp và gỗ. Trước đó, những ngành nghề được Chính phủ Nhật Bản cấp phép theo diện KNĐĐ số 1 gồm: xây dựng, điện - điện tử, đóng tàu - hàng hải, nông nghiệp, hàng không, công nghiệp vật liệu, ngư nghiệp, dịch vụ ăn uống, vệ sinh tòa nhà, chế tạo máy, khách sạn, bảo dưỡng - sửa chữa ô tô, hộ lý, công nghiệp sản xuất thực phẩm và đồ uống.
Như vậy, NLĐ, TTS đã và đang làm việc tại Nhật Bản sẽ có cơ hội trở thành lao động lành nghề ở nước này thông qua chương trình KNĐĐ số 1 và 2. Họ sẽ được làm việc lâu dài, hưởng mức lương cao hơn và có nhiều đãi ngộ hơn. Sau khi tham gia chương trình TTS hiện hành, với kỹ năng, tay nghề, năng lực tiếng Nhật có được, NLĐ có thể chuyển tiếp sang lao động KNĐĐ số 1 kéo dài 5 năm và mở rộng lên KNĐĐ số 2 với thời gian lâu hơn.
Bảo vệ quyền lợi người lao động
Theo Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Tư pháp Nhật Bản, phía Nhật chỉ tiếp nhận lao động KNĐĐ người Việt sau khi NLĐ đã thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật Việt Nam và có tên trong danh sách xác nhận của Bộ LĐ-TB-XH. Đó là những người được phái cử bởi các tổ chức, doanh nghiệp được Bộ LĐ-TB-XH cho phép đưa lao động KNĐĐ đi làm việc ở Nhật Bản.
Bản ghi nhớ cũng nêu rõ NLĐ Việt Nam theo diện KNĐĐ được hưởng các quyền lợi theo Luật Nhập cư, Luật Lao động và quy định pháp luật khác liên quan của Nhật Bản.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Bá Hoan cho rằng việc triển khai chương trình trên cơ sở bản ghi nhớ này sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm cho NLĐ có kỹ năng của Việt Nam, nâng chất lượng lao động phái cử. Việc này còn góp phần gắn kết giữa lao động với đào tạo, giữa thị trường lao động trong nước với quốc tế.
Theo ông Ishii Chikahisa, Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Nhật đang tiếp nhận người nước ngoài theo chương trình KNĐĐ để giải quyết tình trạng thiếu lao động ngày càng trầm trọng. Ông cho biết Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Bộ LĐ-TB-XH Việt Nam đã triển khai dự án "Hỗ trợ kết nối thông tin việc làm cho NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng".
Dự án này nhằm loại bỏ khâu trung gian, môi giới thiếu đạo đức - những người đẩy phí dịch vụ lên cao khi đưa TTS kỹ năng sang Nhật Bản. Về lâu dài, dự án được kỳ vọng kéo giảm phí dịch vụ cũng như số người bỏ trốn sau khi nhập cảnh Nhật Bản.
Trong những thảo luận về việc sửa đổi chế độ thực tập kỹ năng tại Nhật Bản, nhiều ý kiến đã đề xuất tăng cường quản lý các cơ quan phái cử. Thời gian tới, chính phủ hai nước sẽ tiếp tục hợp tác để loại bỏ các cơ quan phái cử kém chất lượng.
"Chúng tôi cam kết tiếp tục cải thiện môi trường làm việc và sinh hoạt cho lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản" - ông Ishii Chikahisa nhấn mạnh.
Hàn Quốc đơn giản chính sách bồi thường tai nạn lao động
Theo Cơ quan Phúc lợi và Bồi thường cho NLĐ Hàn Quốc, các cơ quan đại diện nước ngoài tại Hàn Quốc có thể đại diện cho NLĐ từ quốc gia của họ nộp đơn yêu cầu giải quyết bảo hiểm thương tích lao động. Trước đây, chỉ có thành viên gia đình trực tiếp của NLĐ nhập cư và luật sư lao động được chứng nhận mới có thể đại diện NLĐ nộp đơn yêu cầu bồi thường bảo hiểm. Hạn chế này đã làm cho quy trình bồi thường trở nên tốn kém hơn, NLĐ dễ bị các dịch vụ môi giới gian lận do rào cản ngôn ngữ, khiến nhiều người từ bỏ ý định nộp đơn.
Cơ quan Thống kê Hàn Quốc cho biết số công dân nước ngoài có việc làm tại nước này là 923.000 người vào năm 2023 (tăng 10,7% so với năm 2022). Số đơn yêu cầu bồi thường thương tích lao động của NLĐ cũng tăng l9.543 trường hợp vào năm 2023 (tăng 25,9% so với 5 năm trước).
|
Theo nld