leftcenterrightdel
Các ứng viên tại Huế tìm hiểu thông tin chương trình EPA 

Chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, gọi tắt là chương trình EPA được triển khai tại Việt Nam từ năm 2012. Đây là chương trình phi lợi nhuận với mục tiêu đào tạo ứng viên điều dưỡng Việt Nam đủ điều kiện sang Nhật Bản làm việc lâu dài trong lĩnh vực chăm sóc y tế, mang lại lợi ích thiết thực đối với ứng viên Việt Nam cũng như cơ sở tiếp nhận tại Nhật Bản, góp phần tăng cường hợp tác nhiều mặt trong lĩnh vực lao động - việc làm giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Ứng viên được lựa chọn tham gia Chương trình EPA sẽ được hưởng nhiều quyền lợi, như: được đài thọ toàn bộ chi phí ăn, ở, học tập và được trợ cấp tiền sinh hoạt phí trong thời gian tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật 12 tháng tại Việt Nam; được đài thọ chi phí vé máy bay, lệ phí visa sang Nhật Bản, vé máy bay về Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình; được tham gia khóa đào tạo nâng cao miễn phí tại Nhật Bản trong thời gian 2 tháng trước khi đến cơ sở tiếp nhận; vừa học vừa làm với thời gian tối đa 3 năm đối với ứng viên điều dưỡng (mỗi năm gia hạn một lần) và tối đa 4 năm đối với ứng viên hộ lý (mỗi năm gia hạn một lần) tại các cơ sở dưỡng lão, bệnh viện của Nhật Bản. Trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản, các ứng viên được hưởng mức lương theo quy định của pháp luật Nhật Bản. Ứng viên được cơ sở tiếp nhận tại Nhật Bản hỗ trợ, một phần hoặc toàn bộ, tiền nhà trong thời gian học tập và làm việc tại Nhật Bản.

Trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản, ứng viên được phép tham dự kỳ thi cấp Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về điều dưỡng và hộ lý. Chính phủ và các cơ quan hữu quan của Nhật Bản sẽ hỗ trợ ứng viên học tập miễn phí để chuẩn bị cho kỳ thi cấp Chứng chỉ quốc gia. Ứng viên Điều dưỡng được dự thi mỗi năm một lần. Ứng viên Hộ lý được dự thi một lần vào năm thứ 4. Nếu đỗ Chứng chỉ quốc gia, điều dưỡng, hộ lý, được hưởng tiền lương tương đương với điều dưỡng, hộ lý người Nhật; được phép ở lại làm việc lâu dài và có thể bảo lãnh gia đình sang Nhật Bản.

Theo đại diện Cục quản lý lao động ngoài nước, từ năm 2012 đến nay, chương trình EPA đã tuyển chọn và đào tạo tiếng Nhật cho 11 Khóa ứng viên điều dưỡng, hộ lý với tổng số trên 2.000 người. Đến nay, trên 1.700 điều dưỡng, hộ lý của 9 Khóa đầu tiên đã được đưa sang làm việc tại các cơ sở tiếp nhận của Nhật Bản. Các ứng viên được cơ sở tiếp nhận tại Nhật Bản đánh giá cao về trình độ tay nghề chuyên môn, tinh thần và thái độ làm việc cũng như tính kỷ luật, trình độ tiếng Nhật.

Khoá 12 của chương trình EPA, Cục quản lý lao động ngoài nước phối hợp với phía Nhật Bản tuyển chọn 240 ứng viên chuyên ngành điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa. Thời gian nhận hồ sơ từ 1/4 đến 31/10/2023. Ứng viên nộp hồ sơ trực tiếp hoạc qua đường bưu điện tới Cục quản lý lao động ngoài nước. 

Đối tượng được ưu tiên là những ứng viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân tộc thiểu số, người sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

leftcenterrightdel
Ông Hồ Dần - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại Hội nghị 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hồ Dần - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, đây là cơ hội tốt dành cho người lao động tìm hiểu thông tin, lựa chọn, ứng tuyển để ra nước ngoài làm việc với nhiều chính sách hỗ trợ.

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, trong những năm qua, công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh đã được triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ cùng sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, các doanh nghiệp. Nhờ đó, số lượng lao động Thừa Thiên Huế đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tăng qua từng năm. 

Từ năm 2022 đến nay, đã có 2.985 lao động Thừa Thiên Huế xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2023, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa 1.563 đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó Nhật Bản tiếp tục là quốc gia có nhiều lao động lựa chọn đến làm việc với 1.356 người (chiếm 86,7%), các thị trường khác như Đài Loan, Hàn Quốc, các nước Châu Âu bắt đầu có nhiều lao động chọn để sang làm việc.

Bên cạnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thông qua các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các chương trình phi lợi nhuận với chi phí thấp do Cục quản lý lao động ngoài nước và Trung tâm lao động ngoài nước thực hiện, như: Chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý đi học tập và làm việc tại CHLB Đức và Nhật Bản; đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS; đưa thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo chương trình IM Japan, … đã tạo điều kiện cho lao động Thừa Thiên Huế, đặc biệt là những trường hợp có hoàn cảnh kinh tế khó khăn có thêm cơ hội lựa chọn, đăng ký ứng tuyển để ra nước ngoài làm việc qua đó nâng cao thu nhập, giúp gia đình thoát nghèo.

Theo baodansinh