Năm 2018, khi vào năm nhất đại học, Yu Benqin sống khá vô kỷ luật. Anh thường thức đến 3-4h chơi điện tử và hầu như luôn đi học muộn.
Dù thử qua nhiều biện pháp, Yu - khi đó là sinh viên ngành Kỹ thuật ở ĐH Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) - vẫn không thay đổi. Vì thế, anh nhờ bạn cùng phòng đốc thúc và có tiến bộ hơn một chút.
Nghề đốc thúc người khác làm việc, học tập dần trở nên phổ biến với giới trẻ Trung Quốc. Ảnh: CNET.
Trong khi tìm sách hướng dẫn rèn kỷ luật cho bản thân trên mạng, anh bắt gặp dịch vụ "giám sát cá nhân", nơi khách hàng trả tiền thuê người đôn đốc mình hoàn thành công việc.
Nắm bắt cơ hội làm ăn khi thị trường còn mới mẻ, Yu quyết định mở cửa hàng trực tuyến đầu tiên cung cấp dịch vụ này vào tháng 3/2018, tuyển dụng hàng chục bạn học với mục tiêu giúp mọi người hoàn tất nhiệm vụ hàng ngày.
Thuê người đôn đốc hàng ngày
Theo Sixth Tone, nhu cầu ở lĩnh vực này luôn tồn tại. Từ những nhiệm vụ nhỏ lẻ như ngủ dậy đúng giờ, dắt chó đi dạo, cho đến đón con hay ôn tập cho kỳ thi đại học.
Chủ sở hữu những cửa hàng cung cấp dịch vụ giám sát cá nhân thường là sinh viên đại học hoặc người mới ra trường. Trong khi đó khách hàng của họ lại rất đa dạng, từ 5 cho đến 50 tuổi.
Yu (hiện 21 tuổi) chỉ mất khoảng 2 năm để tăng doanh thu hàng tháng lên hơn 100.000 yuan. Năm ngoái, khi dịch bệnh bùng phát, anh khai trương cửa hàng thứ 3 trên trang thương mại điện tử Taobao.
Tập khách hàng sử dụng dịch vụ nhắc nhớ cá nhân này trải dài từ 5 cho đến 50 tuổi, theo Sixth Tone. Ảnh: CGTN.
Giữa Covid-19, việc kinh doanh của anh càng thêm thuận lợi, thu về 4.000 yuan/ngày ở mỗi cửa hàng.
Yu từng tuyển dụng hơn 1.000 nhân viên giám sát, cũng có đến 400 ứng viên nộp đơn xin việc tại cửa hàng của anh mỗi ngày. Với mỗi khách hàng, nhân viên có thể nhận mức thu nhập 100-150 yuan/tháng.
Công ty do Yu quản lý cung cấp 2 mức dịch vụ cho khách hàng lựa chọn: thông thường (133 yuan) và chuyên sâu (400 yuan). Ở mức độ cơ bản, các giám sát viên sẽ tiếp nhận danh sách công việc từ khách hàng, sau đó kiểm tra tiến độ 3 lần mỗi ngày.
Với những người chọn dịch vụ chuyên sâu, họ sẽ được đốc thúc trước và sau khi hoàn thành mỗi nhiệm vụ, có thể nhờ giám sát viên tư vấn hàng ngày để nâng cao hiệu suất làm việc.
Bản thân Yu cũng đăng ký dịch vụ giám sát mức độ cao từ công ty mình để quản lý lịch trình hàng ngày. Sau gần một tháng, anh nhận ra tính tự giác của mình cải thiện đáng kể và quyết định ngừng dịch vụ khi thấy mình có thể chủ động quản lý bản thân.
"Họ không thực sự muốn thay đổi"
Chia sẻ với Sixth Tone, Zhu Hecun (21 tuổi), người sáng lập một công ty dịch vụ giám sát cá nhân, cho biết phần lớn nhân viên trong lĩnh vực này là nữ giới do họ giỏi động viên, khuyên giải hơn phái mạnh.
"Nếu có 100 ứng viên nộp đơn xin việc, 98 người là phụ nữ. 2 ứng viên nam còn lại cũng sẽ không gắn bó lâu dài với công việc này", anh kể.
Zhu nói thêm đa số giám sát viên làm công việc này vì tò mò hoặc thích giúp đỡ người khác, không quan trọng vấn đề tiền bạc. Thậm chí, anh từng có nhân viên sở hữu 5 bất động sản ở Thượng Hải, một số khác còn đi du học nước ngoài.
Nhiều người tìm đến dịch vụ này vì tò mò, dễ sinh tâm lý ỷ lại vào giám sát viên. Ảnh: CGTN.
Khác với tưởng tượng, công việc giám sát cá nhân cũng không hề đơn giản. Khi có quá nhiều khách hàng cùng một lúc, nhân viên có thể bị chậm trễ hay nhầm lịch trình.
Songsong, sinh viên năm nhất ĐH Thành Đô, làm việc bán thời gian cho công ty Zhu quản lý. Chưa đầy 3 tháng, cô nhận đốc thúc khoảng 100 khách hàng, có thể giám sát tối đa 45 người mỗi ngày.
Tuy nhiên, Songsong từng mắc sai lầm vài lần khi làm việc. Cô kể rằng do nhắc nhở trễ, một vị khách khó tính đã ngủ quá giờ và quên đón con tan học. Ngay sau đó, người này đã hủy hợp đồng với Songsong.
Ngoài ra, việc trả tiền cho một giám sát viên có thể khiến người thuê trở nên dựa dẫm, ỷ lại thay vì tự giác hoàn thành nhiệm vụ cá nhân. Thậm chí, có khách hàng chỉ thuê giám sát viên vì tò mò và cắt liên lạc ngay sau đó.
"Nhiều người từ chối trò chuyện vì đang thử dịch vụ. Họ không thực sự muốn thay đổi bản thân", Nianhui, một nhân viên văn phòng ở tỉnh Hắc Long Giang, nói. Cô đăng ký làm giám sát viên thời vụ suốt 2 năm qua.
Cải thiện bản thân nhờ công việc
Do những người giám sát cần có kỷ luật hơn người khác, Songsong cũng thấy mình sống có tổ chức hơn, có quy củ hơn. Thay vì ngủ tới trưa vào những ngày cuối tuần, cô dậy sớm hơn, biết cách sắp xếp cuộc sống và cải thiện tính cách.
Hiện, Songsong kiếm được khoảng 2.000-3.000 yuan mỗi tháng từ việc làm giám sát viên. Từ công việc này, cô tự thay đổi bản thân theo hướng tích cực hơn, góp nhặt nhiều kinh nghiệm bổ ích.
Chia sẻ với Sixth Tone, cô cho biết mình dự định tiếp tục gắn bó với công việc thêm ít nhất một năm nữa.
Khi được hỏi về ý nghĩa của công việc này với mình, Songsong nói: "Khi người khác đặt thời gian, kế hoạch của họ vào tay tôi, tôi sẽ nhận trách nhiệm với họ. Tôi kiếm tiền bằng nỗ lực giúp đỡ người khác".
Theo Zing