Hengli, sinh viên Học viện Công nghệ Vũ Hán, sẽ tốt nghiệp vào tháng 6 tới. Anh khá ngạc nhiên khi được yêu cầu phỏng vấn trực tuyến. "Ban đầu, tôi không quen ngồi nói chuyện với nhà tuyển dụng thông qua màn hình máy tính, điều đó khiến chúng tôi có khoảng cách", Hengli nói. "Nhưng dần dần, tôi thích cách làm việc này, bởi nó có thể che đi một số khiếm khuyết, khoảnh khắc khó xử của tôi khi lo lắng".

                            Tuyển dụng trực tuyến đang được đẩy mạnh tại Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

Hengli chỉ là một trong số 8,7 triệu sinh viên Trung Quốc sẽ gia nhập lực lượng lao động năm nay. Những năm trước đây, các sinh viên sắp ra trường cũng như những người sắp ứng tuyển vào một công ty nào đó, luôn thuộc lòng ba tiêu chí: "Nụ cười - Ánh mắt - Bắt tay" khi đối mặt với nhà tuyển dụng. Đây cũng là tiêu chuẩn chung cho những ai muốn tạo ấn tượng tốt và muốn được nhận việc ngay.

Tuy vậy, Covid-19 đã làm phức tạp hóa quá trình tuyển dụng. Tiêu chuẩn trên trở nên dư thừa. Nhiều doanh nghiệp chuyển sang tìm kiếm nguồn nhân sự online, nhằm tuân thủ quy tắc cách ly xã hội khi dịch bệnh xảy ra và tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả bên tuyển dụng lẫn bên được tuyển dụng.

Dịch bệnh đang khiến Trung Quốc phải đối mặt với khủng hoảng thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của đất nước đã tăng lên 6,2% trong tháng 1 và tháng 2, tăng từ mức 5,3% một năm trước đó, do sự gián đoạn kinh doanh từ coronavirus trên nhiều lĩnh vực.

Để giúp sinh viên tìm được việc làm, Bộ Giáo dục Trung Quốc (MOE) đã khởi động dự án tuyển dụng trực tuyến có tên 24365 (nghĩa là 24 giờ và 365 ngày), vào cuối tháng 2, trong đó cho phép các doanh nghiệp "săn đầu người" trên nền tảng được xây dựng riêng, hoặc thông qua những website lớn như Zhaopin.com, Boss Zhipin, 51job, Liepin.com và ChinaHR.com. Theo Tân Hoa Xã, các nền tảng này đã có hơn hai triệu bài đăng tuyển dụng, trong đó có hơn 250.000 bài đăng mới đầu tháng 4.

Theo SCMP, nhiều nền tảng tuyển dụng lớn khác tại Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy hình thức tìm việc và phỏng vấn online bằng cách bổ sung một số tính năng mới. Bên cạnh việc gặp nhau qua video, một số còn cho phép ứng viên livestream các kỹ năng của mình trước khi nhận việc.

Zhaopin.com, với hơn 6,3 triệu người dùng hoạt động hàng ngày và 5,1 triệu khách hàng doanh nghiệp, đã ứng dụng AI để tối ưu tìm kiếm công việc cho nền tảng của mình. Theo Li Liiang, Phó chủ tịch công ty, việc ứng dụng thuật toán AI dựa trên dữ liệu được tạo ra từ hơn một tỷ tương tác mỗi năm trên nền tảng của hãng cho phép ứng viên chọn vị trí công việc phù hợp nhất dựa trên hồ sơ mà người đó cung cấp.

Thực tế, việc tuyển dụng theo cách thông thường vẫn tồn tại. Tuy vậy, theo Dai Kebin, sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Liepin.com, Covid-19 xuất hiện đã thúc đẩy tuyển dụng trực tuyến nhiều hơn. Ông cũng dự đoán việc phỏng vấn qua video sẽ là xu hướng tương lai, sau khi đại dịch kết thúc.

Tuy vậy, những sinh viên sắp tốt nghiệp như Hengli vẫn lo lắng dù đã được tạo cơ hội nghề nghiệp tối đa. "Tôi đang lo lắng về thời gian tốt nghiệp. Các bài kiểm tra, đồ án, việc thực tập... có thể không hoàn thành vào tháng 6 tới do dịch bệnh", Hengli chia sẻ.