Ông Chang Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn Lao động năm 2019. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Nhận định về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Việt Nam Chang-Hee Lee cho biết Việt Nam làm rất tốt công tác kiềm chế dịch COVID-19. Sự quyết tâm được thể hiện rõ qua thông điệp của Thủ tướng rằng Chính phủ chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người dân.
Ông Chang-Hee Lee nhận định khi cuộc chiến chống COVID-19 kéo dài, thì việc cần thiết là hành động ngay để giảm thiểu những tác động tiêu cực của dịch bệnh tới doanh nghiệp, việc làm và thu nhập của người lao động, bao gồm cả khu vực kinh tế phi chính thức.
“ILO Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động để chiến đấu vì việc làm thỏa đáng tại thời điểm khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng về cả sức khỏe, thị trường lao động cũng như kinh tế hiện nay,” ông Chang-Hee Lee khẳng định.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cuộc khủng hoảng này sẽ làm mất 6,7% tổng số giờ làm việc trên toàn cầu trong quý 2 năm 2020 - tương đương với 195 triệu việc làm toàn thời gian. Những khu vực chịu tác động nghiêm trọng dự kiến là các nước Arab (mất 8,1% số giờ làm việc, tương đương 5 triệu người lao động toàn thời gian), châu Âu (7,8%, tức 12 triệu người lao động toàn thời gian) và châu Á-Thái Bình Dương (7,2%, tương đương 125 triệu lao động toàn thời gian).
Các nhóm quốc gia chia theo mức thu nhập đều chịu tổn thất nặng nề, nhưng trong đó, các nước thu nhập trung bình cao bị tác động mạnh nhất (mất 7% tổng số giờ làm việc, tương đương 100 triệu người lao động toàn thời gian), trong đó có các nước khu vực Đông Nam Á.
Ước tính có tới 81% lực lượng lao động toàn cầu (3,3 tỷ người) đang chịu tác động do nơi làm việc bị đóng cửa một phần hoặc toàn bộ. Các ngành kinh tế bị ảnh hưởng lớn nhất bao gồm dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, bán lẻ, các hoạt động kinh doanh và hành chính.
Theo Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder, người lao động và doanh nghiệp đều đang phải đối mặt với thảm họa, cả ở các nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Chúng ta phải hành động nhanh chóng, quyết đoán và trên cơ sở phối hợp tốt. Các biện pháp đúng đắn và cấp bách có thể tạo ra sự thay đổi và quyết định tương lai của chúng ta.
Dự báo, khoảng 1,25 tỷ lao động đang làm việc trong các ngành được xác định là có nguy cơ bị sa thải hoặc giảm lương và số giờ làm việc một cách chóng mặt và nghiêm trọng. Với nhiều người lao động đang làm các công việc yêu cầu kỹ năng thấp, vốn đã bị trả lương ít ỏi, thì việc đột ngột mất thu nhập sẽ dẫn tới hậu quả nặng nề.
Trên toàn thế giới, 2 tỷ người lao động trong khu vực phi chính thức (chủ yếu ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển) là nhóm có nguy cơ cao bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh.
Trước mắt, ILO kêu gọi các quốc gia, trong đó có Việt Nam cần thực hiện các biện pháp khẩn cấp, trên diện rộng và đồng bộ ở cả bốn trụ cột. Đó là hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập; kích thích nền kinh tế và việc làm; bảo vệ người lao động tại nơi làm việc; sử dụng đối thoại xã hội giữa chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động để tìm kiếm giải pháp.
Theo ILO, những giải pháp này gồm: Mở rộng an sinh xã hội, hỗ trợ khả năng giữ việc làm, giảm thuế và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Ngoài ra, cần có các biện pháp chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ cho vay và hỗ trợ tài chính đối với một số ngành kinh tế cụ thể.
Thanh Vũ (TTXVN/Vietnam+)