Hồng Kông đang hứng chịu đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất từ trước đến nay. Hôm 19/2, Hồng Kông báo cáo hơn 6.000 trường hợp mắc, nâng tổng số người mắc ở thành phố kể từ khi đại dịch bùng phát lên hơn 46.700 người, có hơn 250 trường hợp tử vong. 

leftcenterrightdel
Nhiều người nước ngoài giúp việc ở Hồng Kông đã bị chủ sa thải sau khi có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, một số khác thì bị từ chối điều trị do đã mất việc làm 

Người Hồng Kông sống tại một trong những thành phố đông đúc nhất thế giới và phụ thuộc vào khoảng 370.000 lao động giúp việc nhà người nước ngoài, phần lớn là phụ nữ đến từ Philippines, Indonesia. Lao động giúp việc nhà nước ngoài tại đây thường phải sống chung với chủ và chỉ được nghỉ một ngày trong tuần. 

Hôm 18/2, các nhóm đại diện cho những người lao động nhập cư cho biết, điều kiện làm việc vốn đã khắc nghiệt nay còn khắc nghiệt hơn trong đợt bùng phát dịch hiện nay. Một số người giúp việc đã bị chủ sa thải sau khi có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, buộc họ phải ngủ ngoài trời. Những người khác thì bị từ chối điều trị tại bệnh viện vì đã mất việc làm.

Eni Lestari - một người giúp việc nhà người Indonesia -cho biết, các đồng nghiệp của cô đã luôn cố gắng giúp đỡ các gia đình chủ nhà trong suốt đại dịch, thế nhưng hiện nay họ cảm thấy mình bị rẻ rúng.

“Chúng tôi đang bị bỏ rơi, bị từ chối cung cấp các dịch vụ, và không biết bám vào đâu. Chúng tôi rất hoảng hốt và tức giận”, cô nói với báo chí. Các nhà hoạt động từ thiện cho biết nhiều người sử dụng lao động đã từ chối cho người giúp việc rời khỏi những căn hộ chật chội ngay cả vào ngày nghỉ của họ, trong khi một số người bị sa thải chỉ vì đã “dám cãi lời” và nghỉ vào ngày nghỉ theo thỏa thuận trước đó. Dolores Balladares Pallaez từ Cơ quan Điều phối người di cư châu Á, cho biết: “Người lao động cần sự giúp đỡ từ cả chính phủ và xã hội”.

Trước đây, thường lệ vào Chủ nhật, hàng ngàn người giúp việc nhà tụ tập tại các không gian công cộng của thành phố để tận hưởng ngày nghỉ của mình. Tập trung ở các khu mua sắm, công viên hay bến xe, họ trải chiếu ngồi quây quần cùng nhau ăn uống, chuyện trò. Nhưng từ khi đại dịch bắt đầu, những cuộc tụ tập này đã không còn. Thay vào đó, những người giúp việc nhà của thành phố hơn 7,5 triệu dân đã phải ở trong nhà của chủ sau khi chính phủ đưa ra tuyên bố hạn chế tụ tập đông người để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Mới đây, cảnh sát Hồng Kông cũng đã tăng mức phạt nếu vi phạm giãn cách xã hội vào mỗi cuối tuần đối với người lao động, mức phạt có thể cao hơn mức lương hằng tháng của họ. 

Hồng Kông thực hiện chính sách “không COVID-19” cứng nhắc, khiến hoạt động kinh doanh quốc tế bị đình trệ trong hai năm qua. Tuy nhiên, hệ thống phòng thủ đó hiện đã sụp đổ sau khi biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao xâm nhập vào cộng đồng. Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam cho rằng, có thể mất tới ba tháng để ổn định tình trạng lây nhiễm - vốn đang đẩy các cơ sở y tế rơi vào quá tải. 

Theo phunuonline