|
|
Mọi việc lớn nhỏ trong nhà, vợ tôi đều thuê người làm thay vì tự mình quán xuyến. Ảnh minh họa |
Đến nửa đêm, vợ vẫn chưa ngủ, loay hoay nhắn tin hỏi tìm chỗ đặt cỗ cho ngày giỗ bà nội vào cuối tuần. Những năm trước, ba mẹ tôi tổ chức lớn để mời khách, xem đây là dịp gặp mặt họ hàng.
Vợ tôi luôn đảm nhiệm việc lo cỗ bàn, việc này vợ giải quyết rất nhanh chóng và gọn gàng nhờ thuê trọn gói dịch vụ. Ngày giỗ, đến gần trưa, vợ chồng tôi mới về đến nơi nhưng cỗ bàn đều đã tươm tất, ba mẹ tôi rất hài lòng.
Năm nay do tình hình dịch bệnh phức tạp, chú bác ở xa không thể về nên chúng tôi dự định làm một mâm cơm nội bộ gia đình. Do chỉ một mâm cỗ, nên không nơi nào nhận nấu. Họ tính chi phí, làm ít quá thì không có lãi nên từ chối. Vợ tôi đã hỏi nhiều chỗ nhưng tất cả đều trả lời, phải từ năm mâm trở lên.
Thấy vợ vò đầu bứt tóc, tôi đề nghị: “Chỉ một mâm thì mình đi chợ nấu cũng được, cần gì thuê”. Vừa nghe, vợ tôi đã gắt gỏng: “Anh nói hay nhỉ, thời gian đâu mà sửa soạn đủ thứ”.
Tôi hiểu tâm trạng của vợ, bởi cô ấy luôn quan niệm: “Cái gì không làm được thì thuê cho đỡ mệt”. Phải công nhận vợ tôi giỏi việc buôn bán, công việc bên ngoài còn việc nhà cô ấy rất ít đụng tay chân.
Nhà tôi chỉ bốn người, thời gian cũng rảnh rang, nhưng vợ nhất quyết phải thuê người giúp việc. Lúc đầu, vợ định thuê người ngủ lại, sau đó thấy phức tạp nên đổi qua thuê làm theo giờ. Vợ không muốn phải chịu cảnh tất bật vừa lo cho cửa hàng vừa quán xuyến việc nhà lại không có thời gian tự do.
Ông bà nội hay ngoại ốm đi viện, vợ tôi cũng thuê người chăm, lo lắng đầy đủ. Vợ bảo, mình không thể nghỉ việc để lo thì chỉ còn cách đó. Tôi cũng thông cảm với vợ, dù chi phí thuê người không rẻ.
Tuy nhiên, một vài lần gặp sự cố làm tôi e ngại việc thuê người giúp của vợ. Có lần, ba tôi bị ngã trong nhà tắm, phải vào viện bó bột. Vợ nghe thế lập tức thuê người vào viện lo cho ông mặc dù đã có em gái tôi chăm sóc.
Chỉ sau nửa ngày, người được thuê cuỗm điện thoại, tiền thăm nom rồi đi thẳng, trong khi em gái đi lấy cơm còn ông nằm trên giường. Sau lần đó, ba tôi giận bảo: “Nếu không vào chăm được thì thôi, không cần phải thuê người để rước họa vào người”.
Cách đây vài năm, chúng tôi tổ chức lễ thôi nôi cho con gái, khách đã ngồi vào bàn mà tiệc chưa dọn ra được, do sự cố của bên dịch vụ. Lần đó vợ chồng lại gây gổ nhau do vợ muốn tổ chức hoành tráng.
Tôi không phản đối chuyện vợ thuê người giúp, nhưng việc gì cũng thuê thì thấy không ổn. Gần đây, công việc kinh doanh của hai vợ chồng không được thuận lợi do ảnh hưởng của dịch bệnh. Thu nhập giảm sút nhiều mà chi phí bỏ ra đều đặn hàng tháng vẫn thế. Phải tự làm việc nhà trong thời gian giãn cách xã hội nên vợ tôi căng thẳng, mệt mỏi.
|
|
Chỉ nấu một mâm cỗ cúng giỗ bà đã khiến cho vợ tôi vốn có tiếng tháo vát thấy bế tắc. Ảnh minh họa |
Vừa mới nới lỏng, vợ lập tức liên hệ để thuê người giúp việc lại. Tôi không đồng ý, một phần vì muốn giữ an toàn, phần nữa muốn cắt giảm chi phí không cần thiết. Mỗi bữa cơm chỉ vài ba món, nhà cửa lau dọn loáng là xong, mỗi người một tay thì không cần thuê người. Vợ nhất quyết không chịu làm vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn. Việc đó giải quyết chưa xong thì đến ngày giỗ bà.
Lần này, tôi bảo: “Anh sẽ xin nghỉ cùng em đi chợ mua đồ rồi về nhà ba mẹ nấu. Còn có mấy đứa em phụ giúp nữa cần gì phải lo”. Biết chẳng còn cách nào khác, vợ gật đầu đồng ý.
Hôm đó, chúng tôi về sớm hơn mọi lần, cả nhà phụ giúp nấu nướng. Chỉ một tiếng sau, mâm cơm cúng đã tươm tất. Cả nhà ăn uống rồi cùng dọn dẹp. Không khí gia đình ấm cúng hơn những lần thuê nấu cỗ.
Vợ tôi cũng bảo: “Em cứ nghĩ tự làm vất vả lắm, ai ngờ thấy vui hơn anh nhỉ”. Có lẽ, vợ cũng nhận ra, không phải việc gì thuê người làm mới thấy thoải mái…
Theo phunuonline