Tương tự các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống khác, quán cà phê Sheroes Hangout ở thành phố Agra (Ấn Độ) cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Doanh thu tại quán giảm tới 80%, theo SCMP.
Từ năm 2014, quán cà phê vốn là chỗ dựa tài chính và tinh thần cho 6 phụ nữ từng bị tạt acid do mâu thuẫn tình cảm, từ chối lời cầu hôn của những kẻ tấn công, theo SCMP.
"Khách hàng chủ yếu tại quán là du khách. Khi ngành du lịch bị 'đóng băng' vì dịch bệnh, việc kinh doanh của chúng tôi cũng chịu tác động lớn. Chúng tôi không còn sự lựa chọn khác", Ashish Shukla, đồng sáng lập Sheroes Hangout, trả lời CNN.
Đa số nhân viên tại Sherose Hangout là nạn nhân bị tạt acid vì tình, có gia cảnh nghèo khó. Ảnh: Flickr.
Alok Dixit (32 tuổi), nhà sáng lập tổ chức phi chính phủ Stop Acid Attacks ở New Delhi và ý tưởng quán cà phê Sheroes Hangout, nói rằng tiệm có thể duy trì suốt thời gian qua là nhờ huy động vốn từ cộng đồng.
"Khoản tiền ủng hộ giúp chúng tôi trả lương cho nhân viên, giúp họ trang trải phần nào các nhu cầu sinh hoạt cơ bản. Chủ thuê mặt bằng cũng tạo điều kiện cho quán hoạt động trong hơn một năm qua, dù chưa trả tiền nhà. Song, tôi biết mình phải dừng lại khi các khoản nợ liên tục tăng", ông Dixit giãi bày.
Trước đó, do mặc cảm từ những vết sẹo lồi lõm, hoại tử trên khuôn mặt, nhiều cô gái trong số họ không bao giờ cởi bỏ mạng che, gặp khó khăn khi hòa nhập với cộng đồng. Nhờ công việc tại quán, các nạn nhân dần lấy lại tự tin, có thể giao tiếp với những người xung quanh và sinh hoạt bình thường.
Khi việc kinh doanh quán cà phê gặp khó khăn vì Covid-19, các nhân viên chuyển sang làm đồ thủ công đem bán để có thêm thu nhập. Ảnh: Adventure.
Đa số nhân viên tại Sheroes Hangout đều xuất thân từ các gia đình có hoàn cảnh nghèo khó. Họ luôn cố gắng làm việc, tích cóp để chi trả cho những ca phẫu thuật tái tạo gương mặt đắt đỏ, dù thu nhập từ việc làm tại quán cà phê không đáng kể.
Trước tình thế khó khăn, các nhân viên tại quán đã tận dụng khoảng thời gian phong tỏa để học thêm kỹ năng cơ bản về máy tính, tiếng Anh, may mặc hay một số nghề thủ công khác.
"Tôi luôn thích may vá, ao ước trở thành một nhà thiết kế thời trang. Giờ, tôi có cơ hội phần nào hiện thực hóa ước mơ của mình", Rupa (26 tuổi) đến từ Uttar Pradesh nói. Từ năm 13 tuổi, cô đã trải qua 7 cuộc phẫu thuật để tái tạo gương mặt bị ăn mòn bởi acid.
Thực tế, tại Ấn Độ, người dân có thể mua acid với giá chỉ vài rupee mà không cần cung cấp lý do, giấy phép sử dụng bất chấp luật pháp hiện hành. Điều đó biến các dung dịch này trở thành vũ khí của những người đàn ông muốn trả thù tình bằng cách hủy hoại dung mạo, cơ thể của người phụ nữ.
Số liệu thống kê chính thức chỉ ra gần 1.600 vụ tấn công bằng acid diễn ra ở Ấn Độ từ năm 2014 đến năm 2018, tương đương với gần một vụ mỗi ngày.
Chi nhánh Sheroes Hangout thứ 2 nằm ở thành phố Lucknow cũng chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhưng vẫn có thể cầm cự được do phụ thuộc nhiều vào cư dân địa phương. Dixit mong địa chỉ này vẫn có thể hoạt động qua mùa dịch, đem lại thu nhập cho các nạn nhân.
"Ngành du lịch - khách sạn bị tác động nặng nề nên những gì xảy ra với quán cà phê là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, tôi cảm thấy rằng trải nghiệm làm việc tại Sheroes Hangout sẽ lưu lại ấn tượng tích cực cho cả các nhân viên và khách hàng", ông nói.
Theo Zing