Một nhân viên 32 tuổi làm trong nhà xác ở Trung Quốc kể anh từng tái tạo lại khuôn mặt bị dập nát cho một người chết vì tai nạn giao thông. Cuộc phẫu thuật kéo dài vài ngày và khiến anh hoàn toàn kiệt sức. Điều quý nhất anh nhận lại là sự biết ơn của mẹ nạn nhân.

Những kiểu phẫu thuật này rất hiếm. Hầu hết thời gian, nhân viên nhà xác làm công việc phổ biến hơn là làm sạch và trang điểm tử thi.

Nhiều người làm trong ngành tang lễ nhìn vào khía cạnh đặc biệt trong công việc của họ. Có người còn nói rằng làm việc ở nhà xác là thứ giúp anh thu hút nhiều phụ nữ tại quán bar.

"Có cô gái liên tục hỏi xem công việc của tôi có đáng sợ không. Một lần tôi đã phát cáu và bảo: 'Người sống còn đáng sợ hơn người chết'. Nhưng cô ấy lại phát cuồng vì câu nói đó. Cô ấy khoe với mọi người xung quanh rằng tôi hiểu biết và khôn ngoan như thế nào", người này kể.

Theo Sixth Tone, ngày càng nhiều người trẻ chọn làm việc trong ngành công nghiệp tang lễ cho thấy sự suy giảm định kiến về cái chết. Không ít người lựa chọn ngành này vì lợi ích cá nhân khi ít phải cạnh tranh so với các ngành dịch vụ tư nhân khác.

Một chuyên gia trang điểm tử thi đang rời khỏi nhà xác ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Ảnh: Wei Liang/CNS/People Visual.


Xóa mờ định kiến về cái chết


Văn hóa truyền thống Trung Quốc coi cái chết là điều đáng sợ và ghê tởm, có thể khiến những người liên quan đến nó gặp bất hạnh.

Mọi người thường tránh đến thăm nhà tang lễ hoặc giao du với những người làm nghề khâm liệm, bởi họ sợ sẽ bị xui xẻo. Trong một số gia đình truyền thống, những người làm nghề mai táng còn bị cấm tham dự các lễ kỷ niệm trong nhà.

Morticians (người hộ tang) là một ví dụ trong sách giáo khoa mà nhà xã hội học người Mỹ Everett Hughes gọi là "công việc bẩn thỉu": những công việc thấp kém về thể chất, xã hội hoặc đạo đức và bị nhiều người coi là hạ cấp. Người thực hiện chúng thường bị bêu xấu, ngay cả khi bản thân họ không vi phạm các chuẩn mực xã hội.

Người làm nghề chuẩn bị chôn cất người chết không tránh khỏi sự kỳ thị này. Trong quá trình thực địa tại một nhà xác ở thành phố nhỏ miền Nam Trung Quốc, nhóm nghiên cứu của nhà nhân chủng học Chris KK Tan quan sát thấy các nhân viên luôn mặc áo khoác và đeo khẩu trang trong ca làm việc.

Họ đặc biệt quan tâm đến găng tay, thích chọn loại làm bằng vải canvas thay vì bằng cotton mềm mại. "Nếu đeo găng tay bằng cotton, chúng tôi sẽ cảm nhận được xác chết", một nhân viên giải thích.

Tuy nhiên, bất chấp sự kỳ thị, ngày càng nhiều thanh niên Trung Quốc tìm công việc trong lĩnh vực này trong những năm gần đây. Theo báo cáo năm 2019, hơn một nửa số công nhân nhà xác ở thành phố Tây An (tỉnh Thiểm Tây) sinh sau năm 1980.

                                 Hai nhân viên nhà xác ở Hàng Châu cúi đầu trước một thi thể. Ảnh: People Visual.


Nhiều người thắc mắc lý do người trẻ chọn làm nhân viên nhà xác. Một số người nói rằng đó là vì lợi ích cá nhân. Một cô gái 27 tuổi được phỏng vấn cho biết chọn nghề này vì không thích giao tiếp xã hội. Một người khác nói xem bộ phim "Departures" (Nhật Bản) đã khiến cô muốn gia nhập ngành công nghiệp này.

Lý do thường xuyên được đưa ra hơn cả là bởi lợi ích xã hội mà công việc này mang lại. Mặc dù lương của những người làm dịch vụ mai táng thường thấp, hiếm khi trên 5.000 nhân dân tệ/tháng. Tuy nhiên, họ được đăng ký tham gia chương trình bảo hiểm quốc gia, trợ cấp nhà ở và bữa ăn, quan trọng là công việc được bảo đảm suốt đời.

Tại nhà xác nhóm nghiên cứu thực địa, gần một nửa nhân viên đã được hứa hẹn cho các vị trí cố định.

Nhiều người trẻ Trung Quốc cảm thấy mệt mỏi với lịch trình làm việc dày đặc, sự cạnh tranh khốc liệt và "chủ nghĩa tuổi tác" trong các doanh nghiệp tư nhân. Trong khi đó, công nhân trong nhà xác ít cạnh tranh hơn nhiều so với các nhánh khác của dịch vụ tư nhân dân sự.

Để chống lại sự kỳ thị, những người làm việc trong nhà xác coi công việc của họ là thứ có ích cho cộng đồng, hy vọng truyền cho nó giá trị tích cực. "Tôi xem công việc của mình là phục vụ mọi người", một nhân viên 36 tuổi nói.

Theo Zing