Thời sinh viên, Ngọc Ánh (24 tuổi, TP.HCM) làm freelance tại nhà khá nhiều. Khi ra trường và đi làm full-time, cô bị sốc bởi môi trường lẫn văn hóa công sở từ những vụ sếp hay đồng nghiệp không hòa hợp.

Ánh hiện làm content và hỗ trợ bán hàng print on demand (in theo yêu cầu) theo hình thức cộng tác viên hoặc part-time online.

“Với mình, làm việc từ xa đúng là ‘chân ái’ khi được tự do, thoải mái, ít gò bó hơn lên công ty ngồi 8 tiếng đồng hồ. Nếu đam mê công việc, sếp và đồng nghiệp dễ thương thì không nói, chứ gặp môi trường độc hại, đi làm xa tốn kém tiền xăng, phải nghĩ hôm nay ăn gì, mặc gì... thì khá đau đầu”, cô nói với Zing.

Tương tự Ngọc Ánh, nhận thấy làm việc tại văn phòng không thoải mái bằng “work from home”, sợ không gian ồn ào, ngại tiếp xúc nhiều với sếp hay đồng nghiệp, không ít bạn trẻ sẵn sàng nhảy việc, làm freelance để có thể linh hoạt hơn.

 
Cong viec van phong kho giu chan nhan su tre anh 1

Hậu dịch, nhiều bạn trẻ thích làm việc online hơn là trở lại văn phòng. Ảnh:Phương Thảo.

Không thích gò bó

Theo Ngọc Ánh, làm việc tại văn phòng hay work from home đều có ưu và nhược điểm riêng.

“Khi làm online, mình được chủ động giờ giấc sinh hoạt và làm việc, miễn là có trách nhiệm, đảm bảo tiến độ công việc. Mình cũng sẽ không bị ‘soi’ hôm nay đi làm sao sắc mặt lại không tốt, mặc trang phục gì hoặc đôi lúc phải ngồi nghe sếp tâm sự, hỏi han chuyện đời tư”, cô nói.

 
 
 
 
 
leftcenterrightdel
 Ở hiện tại, Ngọc Ánh thích làm việc online hơn là trực tiếp tại công ty. Ảnh: NVCC.

Ánh cho rằng một số công ty không cho phép nhân viên làm việc riêng trong giờ, nghe điện thoại cá nhân hoặc lấy đồ ship. Nếu có việc ra ngoài, họ cần trình bày lý do hợp lý; đi trễ sẽ bị phạt cắt thưởng, trừ lương; thậm chí bị ốm xin nghỉ cũng phải làm bù ngoài giờ hoặc vào ngày nghỉ.

“Khi làm văn phòng, cũng có thể xảy ra xung đột, bất đồng quan điểm với sếp hoặc đồng nghiệp. Thậm chí, đôi khi xin nghỉ, lý do sức khỏe hay gia đình không được cấp trên thông cảm, thấu hiểu. Mình từng nghe chuyện có bạn bà ngoại ở quê mất, muốn xin về chịu tang vài hôm nhưng sếp không muốn cho nghỉ”, cô kể.

Bù lại, theo Ánh, khi đến văn phòng làm việc, nhân viên có cơ hội làm quen, tiếp xúc, học hỏi từ đồng nghiệp nhiều hơn; được sếp “cầm tay chỉ việc” cũng như những lúc ăn uống, đi teambuilding cùng công ty để giải tỏa phần nào căng thẳng công việc.

Với những ưu, nhược điểm của từng hình thức làm việc nói trên, Ánh cho rằng khi còn trẻ, cô chọn làm online, nhất là trong đại dịch như hiện nay. Tuy nhiên, khi mọi thứ ổn định hơn, cô gái 24 tuổi sẽ trở lại văn phòng để quen hơn với tập thể, cũng như sự ổn định lâu dài.

Ngoài ra, Ánh hiện ưu tiên làm part-time để thoải mái hơn.

“Mình từng làm content online toàn thời gian nhưng việc họp, làm liên tục, cuối tuần thì vật lộn với báo cáo, research, thậm chí phải trả lời tin nhắn ngoài giờ lúc nửa đêm khiến bản thân cảm thấy không thể tiếp tục”, cô lý giải.

Thu Hằng (26 tuổi, Hà Nội), nhân viên công ty truyền thông, cũng thích làm việc online hơn là đến văn phòng vì có thể tận dụng được nhiều thời gian hơn.

Theo Hằng, nếu phải đi làm, sáng dậy tắm rửa, nấu ăn mang theo, sửa soạn, di chuyển đến nơi cũng tốn hơn một tiếng. Còn làm ở nhà, cả vệ sinh cá nhân lẫn nấu đồ ăn sáng chỉ khoảng 15 phút.

 
Cong viec van phong kho giu chan nhan su tre anh 3

Dân văn phòng quen làm việc từ xa sau thời gian dài không đến công ty. Ảnh:Tin Phung.

“Mình sức khỏe không tốt nên ngồi lâu bị đau lưng, nhanh buồn ngủ. Ở nhà thì mệt có thể đi nghỉ một chút rồi dậy làm tiếp, tại công ty chỗ nằm không có, cố gắng vượt cơn buồn ngủ còn mệt hơn. Hơn nữa, chiều tan sở về lại bị kẹt xe, tắm rửa, nấu ăn, dọn dẹp, nghỉ ngơi, giải quyết công việc cũng đến 21h mới xong. Trong khi đó, tất cả sẽ được tối ưu khi work from home, khoảng 19h đã có thể thong thả”, Hằng kể.

Cô nói thêm: “Trước đây, mình từng xin vào một công ty nhưng đi làm trên văn phòng một ngày mà bị ngộp và nhức đầu, xe hỏng dọc đường 21h mới về tới nhà, mình xin nghỉ luôn”.

Sẵn sàng bỏ việc

Công ty của Thảo Anh (27 tuổi, Hà Nội), nhân viên công nghệ thông tin, áp dụng hình thức làm việc online từ tháng 5/2021. Kể từ đó, cô chỉ lên văn phòng vài lần khi có việc cần thiết, còn lại đa số làm ở nhà.

Thời điểm dịch bớt căng thẳng, công ty cho 50% nhân sự lên văn phòng, 50% làm tại nhà. Nhưng từ khi số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội tăng mạnh, có khoảng 40 nhân viên là F0, tất cả lại chuyển về work from home.

“Ban đầu, mình thấy làm ở nhà thoải mái hơn về thời gian nhưng nhiều khi không tiện bằng lên văn phòng. Tuy nhiên, sau vài tháng, mình quen dần và không muốn trở lại. Đồng nghiệp mình nói đùa sắp thành công ty freelance cả rồi”, cô gái 27 tuổi nói.

Hiện nhân viên công ty Thảo Anh chỉ lên văn phòng khi cần thiết và cần có kết quả test nhanh âm tính với SARS-CoV-2.

“Đi làm có giờ giấc, vào quy củ hơn nhưng mình thấy tốn thời gian di chuyển mà năng suất công việc không cải thiện so với work from home. Hiện một số đồng nghiệp của mình đề xuất cấp trên cho đi làm 50%. Nếu được duyệt, mình vẫn xin làm ở nhà. Còn công ty bắt buộc trở lại văn phòng lúc này, mình sẵn sàng xin nghỉ vì hiện tại cũng nhận thấy không nhiều cơ hội phát triển thêm”, cô nói.

 
Cong viec van phong kho giu chan nhan su tre anh 4

Làm việc từ nhà không ảnh hưởng tới năng suất công việc song các lãnh đạo công ty thường muốn nhân viên trở lại văn phòng, theoBloomberg.Ảnh:10'000 Hours.

Sau 5 tháng dịch công ty áp dụng hình thức online từ họp, điểm danh đến tổ chức Year End Party, Yên Nhi (29 tuổi, Hà Nội), nhân viên truyền thông, đã quen làm việc từ xa.

“Công ty mình là văn phòng mở nên rất đông người. Khi ngồi làm việc phải đeo khẩu trang, không gian gò bó, đông đúc, ồn ào, mình thấy rất khó để tư duy, sáng tạo. Bởi vậy, mình thích ở nhà, ra ban công ngồi làm việc. Cuối tuần, mình thường đến quán cà phê, chọn góc vắng vẻ để giải quyết công việc phát sinh, đồng thời thư giãn, tìm cảm hứng sáng tạo”, cô nói.

Theo Yên Lê, ưu thế của công việc linh hoạt so với hình thức làm việc truyền thống ngoài sự thoải mái, tự do về thời gian và địa điểm, còn giải phóng nhân viên khỏi sự bó buộc của các quy định công sở. Bên cạnh đó, làm việc online cũng đơn giản và trực tiếp hơn, không phải suy xét cách từ chối sao cho đỡ mất lòng sếp hay đồng nghiệp, tiết kiệm chi phí đi lại, mua mỹ phẩm.

Vì tính chất công việc vẫn cần lên văn phòng, hiện Yên Nhi chưa thể chuyển qua làm freelance. Khi có điều kiện phù hợp hơn, cô cho biết sẽ xin nghỉ để tìm việc linh hoạt hơn.

 
Cong viec van phong kho giu chan nhan su tre anh 5

Nhiều bạn trẻ ngại lên văn phòng vì gò bó và khó tư duy, sáng tạo. Ảnh:Hà Nam.

Hậu đại dịch, nhiều công ty muốn nhân viên trở lại làm tại văn phòng toàn thời gian, nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, một số có xu hướng ngó lơ những biến chuyển hiện tại, theo CNA.

Được thúc đẩy bởi thị trường lao động sôi động, nhân viên có thể nghỉ việc. Báo cáo của Microsoft cho thấy hơn một nửa dân văn phòng ở Anh sẽ bỏ việc nếu bị bắt đi làm trực tiếp trở lại.

Theo HuffPost, các chuyên gia cho hay để đối phó với nỗi sợ trở lại văn phòng, nhân viên công sở có thể áp dụng 4 cách sau:

- Nói chuyện với nhà tuyển dụng về lựa chọn hình thức làm việc.

- Thừa nhận sự căng thẳng của bản thân.

- Hòa nhập lại với môi trường công sở một cách từ từ.

- Tập trung vào những gì bản thân mong đợi tại văn phòng.

Theo Zing