Người trên 35 tuổi khó tìm việc làm trong lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc - Ảnh: SCMP
Rào cản tuổi 35
Ngay sau khi Annie Li nói với người tuyển dụng là mình 35 tuổi, đã kết hôn nhưng chưa có con, không khí của buổi phỏng vấn thay đổi hoàn toàn. Cuộc phỏng vấn nhanh chóng kết thúc. Cô được nhận xét là mình không phù hợp với công ty.
Trả lời báo South China Morning Post, cô Li cho rằng mình đã gặp những rào cản, không vì bản thân là phụ nữ, mà vì "quá già".
Những người am hiểu lĩnh vực công nghệ, ngành có tăng trưởng nhanh chóng trong nền kinh tế ở Trung Quốc, xác nhận rằng tính cạnh tranh của người lao động giảm mạnh trong một số loại hình công việc, kể cả việc nhà nước, khi họ gần mốc 35 tuổi.
Tuy nhiên, phân biệt theo tuổi tác trong ngành công nghệ đặc biệt gay gắt. Những nhân viên từ 35 tuổi trở lên mà không ở vị trí quản lý hoặc cấp cao có nguy cơ bị sa thải cao trong các đợt cắt giảm chi phí của công ty.
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu phát triển thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc công bố tháng 1-2021, gần 2/3 trong số những người từ 35 tuổi trở lên bị mất việc làm từ tháng 3-2020 vẫn còn tìm việc làm 6 tháng sau đó.
Theo báo cáo của trang web việc làm Maimai tháng 3-2020, tuổi trung bình của người lao động tại 19 công ty Internet hàng đầu của Trung Quốc là 29,6, trong khi độ tuổi trung bình của người lao động ở Trung Quốc là 38,39.
TikTok và gã khổng lồ thương mại điện tử Pinduoduo, hai siêu sao trẻ của nền công nghệ ở Trung Quốc, có xu hướng thuê nhân lực trẻ hơn, với độ tuổi trung bình là 27. Didi Chuxing là công ty có độ tuổi trung bình của nhân viên cao nhất là 33.
Độ tuổi trung bình của người lao động trong các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc đến thời điểm ngày 14-2-2020 - Ảnh: SCMP
Áp lực 996
Mặc dù là quốc gia có truyền thống trọng người già, phần lớn lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật số hiện tại của Trung Quốc, như mạng xã hội, game, thương mại điện tử và video trực tuyến, đều nhắm đến nhóm nhân khẩu học trẻ hơn hiểu biết về công nghệ và do đó, họ thuê nhiều người gần giống với đối tượng này.
Joseph Zhu, lập trình viên ở Nam Kinh, trong độ tuổi 30, cho biết tuổi tác là rào cản của những người làm trong ngành công nghệ. "Nếu muốn đổi việc khi lớn tuổi, bạn sẽ không đáp ứng các yêu cầu tối thiểu của nhà tuyển dụng", anh xác nhận.
Một số người cho rằng việc ưu tiên tuyển người trẻ của các công ty công nghệ phản ánh thực tế vì công việc này không phù hợp với người trung niên với trách nhiệm gia đình. Họ khó mà thực hiện cam kết "996", nghĩa là làm việc 12 giờ một ngày, từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày mỗi tuần với các công ty,
Tuy nhiên, đối với những người trong độ tuổi cuối 35 như cô Li, sự phân biệt tuổi tác là điều khiến họ vừa bức xúc vừa thấy xúc phạm.
Li có bằng thạc sĩ của một trường đại học hàng đầu Hong Kong và có 10 năm kinh nghiệm về ngành game. Cô làm quản lý khách hàng cho một công ty game nước ngoài, nhưng việc họ quyết định đóng cửa văn phòng ở Quảng Châu biến cô thành người thất nghiệp. Li nộp 30 hồ sơ xin việc nhưng chỉ 5 nơi gọi cô đi phỏng vấn, mặc dù kinh nghiệm của cô phù hợp đến 98% mô tả công việc. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng chỉ muốn những người dưới 35.
Phân biệt đối xử dựa trên tuổi tác với người lao động ở Trung Quốc là không hiếm, mặc dù các tiêu chuẩn lao động quốc tế đã xác định và nghiêm cấm các yếu tố làm cơ sở phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo, quan điểm chính trị, tình trạng bệnh tật hoặc khuyết tật, xu hướng tình dục. Việc tuyển chọn người lao động chỉ nên dựa vào khả năng làm việc của người lao động.
Theo tuoitre