leftcenterrightdel
 Lao động chuẩn bị đi làm tại nước ngoài nghe phổ biến các chính sách nhập cảnh, chế độ làm việc.

Nhật Bản là thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam nhiều nhất

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - LĐ,TB&XH) cho biết: Những năm qua, do dịch bệnh COVID-19, phần lớn các quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động Việt Nam đều có chính sách hạn chế hoặc đóng cửa tiếp nhận lao động nước ngoài đến làm việc.

Đến nay, các chính sách phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã có sự thay đổi để thích ứng với việc phục hồi, phát triển kinh tế. Một trong những chính sách đó là mở cửa tiếp nhận trở lại lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.

Cụ thể, thị trường các nước châu Âu mở lại từ năm 2021; Hàn Quốc từ tháng 5/2021 (sau hơn một năm ngừng tiếp nhận lao động đi theo chương trình EPS); Đài Loan (Trung Quốc) mở lại từ ngày 15/2/2022 (đóng cửa từ 19/5/2021); Nhật Bản bắt đầu mở lại từ tháng 3/2022 (sau hơn một năm đóng cửa từ cuối tháng 1/2021) và một số thị trường lao động khác cũng đã có chính sách tiếp nhận lao động với các điều kiện và quy định phù hợp trong thời gian qua.

Bộ LĐ,TB&XH đã chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động duy trì và phát triển các thị trường tiếp nhận lao động; kịp thời nắm bắt các thông tin về tình hình dịch COVID-19, chính sách, quy định mới về tiếp nhận lao động đối phó với tình hình diễn biến dịch COVID-19 tại các nước; hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đảm bảo các quy định về phòng chống dịch của nước sở tại.

Theo đó, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc tiếp tục là các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam nhiều nhất trong 7 tháng qua (chiếm đến 93% tổng số lao động đi làm việc tại nước ngoài). Trong 7 tháng năm 2022, các đơn vị đã đưa 56.863 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 63,2% mục tiêu kế hoạch năm, trong đó có 21.238 lao động nữ.

Chú trọng chất lượng lao động

Theo ông Nguyễn Gia Liêm, yếu tố chất lượng lao động vẫn cần đặt lên hàng đầu. Bên cạnh những thị trường truyền thống, định hướng trong thời gian tới là đưa lao động đi làm việc tại các thị trường an toàn, có thu nhập cao, bảo đảm phúc lợi tốt cho người lao động.

Ngay từ những tháng đầu năm 2022, nhiều hoạt động hợp tác đã được xúc tiến triển khai. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Việt Nam và Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Australia đã ký Bản ghi nhớ về chương trình lao động nông nghiệp. Trong khuôn khổ chương trình hợp tác này, dự kiến Australia sẽ tiếp nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp với số lượng khoảng 1.000 người/năm, mức lương cơ bản (chưa trừ phí sinh hoạt) từ 3.200 - 4.000 dollar Australia/tháng (tương đương 52,8 - 66 triệu đồng/tháng). Hiện nay, hai bên đang trao đổi để thống nhất về kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Bản ghi nhớ này.

Việc tuyển chọn điều dưỡng viên và hộ lý sang làm việc tại CHLB Đức theo chương trình 3 bên cùng có lợi và tại Nhật Bản theo Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA). Chương trình đang nhận hồ sơ khóa 11, thời hạn đến 31/10/2022.

Bộ LĐ,TB&XH đã đàm phán với cơ quan chức năng của Israel về Hiệp định hợp tác lao động Việt Nam - Israel, xây dựng Thỏa thuận về tuyển dụng lao động giữa Việt Nam và Thái Lan, hoàn thiện Bản ghi nhớ về di cư lao động có kỹ năng và trao đổi kiến thức với Cộng hòa liên bang Đức; trao đổi “Bản ghi nhớ về tuyển dụng, việc làm và hồi hương lao động giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Malaysia"….

Bộ LĐ,TB&XH cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày của Chính phủ về việc ký quỹ và hỗ trợ cho vay để ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan đại diện tại các nước có lao động Việt Nam để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trước diễn biến của dịch bệnh COVID-19 và tổ chức đưa lao động hết hạn hợp đồng về nước theo chỉ đạo của Chính phủ; kịp thời thông tin và hướng dẫn các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài an toàn trong tình hình dịch bệnh và theo quy định về tiếp nhận lao động nước ngoài của nước sở tại.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Gia Liêm, việc nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ được chú trọng. Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ đẩy mạnh công tác gắn kết giữa doanh nghiệp dịch vụ với các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc chuẩn bị, tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường chất lượng và hiệu quả công tác tuyển chọn và đào tạo người lao động (về ngoại ngữ, tay nghề và ý thức tổ chức kỷ luật) đáp ứng yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động, tạo vị thế của người lao động ở nước ngoài, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động, cũng như phòng tránh tình trạng người lao động bị lạm dụng, cưỡng bức khi đi làm việc ở nước ngoài.

Cùng với đó, để lành mạnh hóa thị trường xuất khẩu lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến chính sách, pháp luật, thông tin về lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài để nâng cao nhận thức của người dân và xã hội, qua đó ngăn ngừa, hạn chế tình trạng lừa đảo, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Cục cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo baotintuc