leftcenterrightdel
 Lao động Việt Nam đi làm việc ở Hàn Quốc về nước đúng hạn có thể nhập cảnh trở lại sau 1 tháng để tiếp tục làm việc.

Không những thế, việc làm này của một số người đã ảnh hưởng đến cơ hội chính đáng được sang Hàn Quốc làm việc của hàng ngàn lao động khác khi liên tục những năm gần đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) liên tục phải đưa ra thông báo việc dừng tuyển chọn ở các địa phương có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao. Thậm chí, hiện nay khi xuất khẩu lao động mới vừa được khai thông sau đại dịch COVID-19, Bộ LĐ-TBXH đã phải ra văn bản dừng tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc với 8 huyện/thành phố của 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Hải Dương, Nghệ An và Thanh Hóa.

"Quýt làm, cam chịu"

Có hộ khẩu tại huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), 1 trong 8 địa phương phải tạm dừng tuyển chọn năm nay, anh Nguyễn Ngọc Khoa cho biết anh đã học xong tiếng Hàn và hy vọng sẽ được tuyển chọn tham gia chương trình EPS ngành nông nghiệp, theo kế hoạch tuyển chọn 2.400 lao động ngành nông nghiệp và ngư nghiệp năm nay. Mất nhiều công sức, tiền bạc để học tập, nhưng cả gia đình anh đều hụt hẫng khi biết tin, mới đây địa phương mình nằm trong danh sách bị dừng tuyển chọn.

"Ở những vùng quê nghèo như chúng tôi, cũng nhờ có xuất khẩu lao động mà cuộc sống của nhiều gia đình đã ổn định hơn, con em được học hành đến nơi đến chốn. Không những vậy, nhiều người đi về còn có vốn để kinh doanh, làm nhiều việc khác xây dựng kinh tế gia đình, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Thế nhưng, việc một số người ra nước ngoài làm việc bỏ trốn, phá ngang hợp đồng đã ảnh hưởng đến rất nhiều lao động có nguyện vọng ra nước ngoài làm việc để thoát nghèo như chúng tôi. Đáng lẽ họ nên nghĩ cho người ở nhà, ai cũng chỉ có một thời gian đi làm lo cho cuộc sống thôi. Giờ tôi chỉ đành chờ đợi, không biết bao giờ mới được đi", anh Khoa buồn bã chia sẻ.

Cũng đang tham gia học tiếng Hàn tại một trung tâm ở Hà Nội để tham dự kỳ thi năng lực tiếng Hàn vào tháng 9 tới đây, anh Đỗ Trọng Hùng quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa cũng rất buồn khi hay tin huyện Hoằng Hóa bị liệt vào danh sách tạm dừng tuyển chọn lao động Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS.

"Trước khi đi học, chưa có thông tin về các địa phương phải tạm dừng tuyển chọn nên quê tôi rất nhiều người đã đăng ký đi học tiếng. Giờ quê tôi bị liệt vào danh sách khiến chúng tôi buộc phải dừng. Những người bỏ trốn đã hại chính đồng hương, thậm chí có thể hại cả người nhà của chính mình. Họ làm mất hình ảnh của lao động tỉnh nhà. Nếu phía Hàn Quốc họ ngưng không tiếp nhận nữa thì cơ hội của hàng trăm người khác đã bị hủy hoại. Tôi nghĩ cần có biện pháp mạnh để xử lý những trường hợp này", anh Hùng bức xúc cho biết.

Về đúng hạn, lợi nhiều hơn

Đầu tháng 7, Bộ LĐ-TBXH đã có văn bản gửi UBND các tỉnh thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc với 8 huyện/thành phố của 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Hải Dương, Nghệ An và Thanh Hóa. Cụ thể, các địa phương bị tạm dừng gồm: huyện Nghi Xuân, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh); thành phố Chí Linh (Hải Dương); thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An); huyện Đông Sơn, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Đây đều là những địa phương có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên và tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên.

Việc tạm dừng tuyển chọn lao động không áp dụng đối với người lao động đăng ký dự tuyển ngành ngư nghiệp, người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS về nước đúng thời hạn và người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã tự nguyện về nước trong khoảng thời gian phía Hàn Quốc thực hiện miễn xử phạt.

Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TBXH), đối với các địa phương mà phía Hàn Quốc cấm người lao động nhập cảnh do có tỉ lệ bỏ trốn còn cao, Cục đang phối hợp với địa phương để tiếp tục tuyên truyền, vận động người lao động về nước đúng hạn, tạo điều kiện cho người lao động ở quê hương được sang Hàn Quốc làm việc.

"Trường hợp người lao động bỏ trốn, chúng tôi vận động họ về nước để giảm tỉ lệ cư trú bất hợp pháp tại địa phương. Bên cạnh đó, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cũng cố gắng hỗ trợ người lao động khi họ gặp khó khăn và tìm cách tháo gỡ, đồng thời tuyên truyền những chương trình khi người lao động thực hiện đúng hợp đồng, chấp hành tốt thì sẽ được tuyển lại", ông Liêm cho biết.

Để giảm thiểu tình trạng lao động bỏ trốn, ông Liêm cho biết thêm, phía Hàn Quốc đã có một số chính sách mới nhằm tạo điều kiện cho người lao động Việt Nam sớm được quay trở lại nước này làm việc. Một trong những chính sách đó là việc rút ngắn thời gian tái nhập cảnh cho người lao động mẫu mực. Thay vì phải về nước, chờ đợi 3 tháng mới có thể tái nhập cảnh Hàn Quốc làm việc trong 4 năm 10 tháng, người lao động Việt Nam có chứng nhận "mẫu mực" chỉ sau 1 tháng đã có thể quay lại nước này tiếp tục làm việc. Chính sách này góp phần khuyến khích người lao động về nước đúng hạn. Bởi lẽ, nguyên nhân khiến người lao động bỏ trốn là lo ngại không được quay lại nước này.

Theo anh Nguyễn Văn Định, quê ở Nam Định, người từng đi làm việc ở Hàn Quốc về nước thì việc về nước đúng hạn, người lao động sẽ được lợi hơn rất nhiều. Bên cạnh chính sách mới cho phép chỉ 1 tháng sau khi về nước đã có thể quay lại Hàn Quốc làm việc theo hợp đồng mới thì còn được lợi nhiều về kinh tế. "Nếu về nước đúng hạn, người lao động sẽ nhận được các khoản bảo hiểm và lương tháng 13, khoảng 300 - 500 triệu đồng, cộng thêm 100 triệu đồng tiền ký quỹ và lãi suất nữa. Như vậy, người lao động về nước đúng hạn sẽ được nhiều tiền và thuận lợi hơn nếu muốn qua lại Hàn Quốc làm việc. Bên cạnh đó, việc về nước đúng hạn còn nâng cao hình ảnh người lao động Việt Nam trong mắt người sử dụng lao động và các cơ quan chức năng của Hàn Quốc, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác lao động giữa hai nước, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho những người có nhu cầu chính đáng sang Hàn Quốc làm việc", anh Định giải thích.

Theo cand