|
|
Nhiều cơ sở đào tạo đầu tư thiết bị hiện đại để đào tạo nhân lực ngành y tế chuẩn quốc tế |
Đó là hệ quả tất yếu của già hóa dân số và thực trạng dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp.
Nhiều nước thay đổi chính sách
Một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy từ khi xảy ra đại dịch COVID-19 và những thay đổi nhanh chóng về nhân khẩu học, các nước thuộc OECD có xu hướng thay đổi chính sách nhập cư để thu hút người lao động (NLĐ) nước ngoài đến học tập và làm việc trong ngành chăm sóc sức khỏe.
Năm 2022 đến nay, Vương quốc Anh đã bổ sung những người nhập cư làm công việc chăm sóc sức khỏe vào danh sách nghề nghiệp thiếu hụt. Chính phủ Anh cho phép NLĐ nước ngoài được nộp đơn xin thị thực lên đến 5 năm để ở lại làm việc và sau đó có cơ hội chuyển sang xin làm thường trú tại Anh. Sự thay đổi này làm số lượng đơn đăng ký tăng vọt.
Ý mới đây cũng công bố kế hoạch tuyển dụng thêm 10.000 nhân viên chăm sóc sức khỏe vào năm 2025 với nhiều ưu đãi đột phá. Chính phủ Canada cũng đã triển khai các chương trình thí điểm cho phép NLĐ nhập cư được cấp "giấy phép lao động mở - hạn chế lựa chọn nghề nghiệp" để làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Tại lễ ký kết hợp tác chiến lược triển khai chương trình du học Đức ngành điều dưỡng với một doanh nghiệp Việt Nam mới đây, ông Jens Reinwardt, Giám đốc Điều hành Học viện Y tế Berlin (Đức), cho biết hiện nay Đức có khoảng 1,4 triệu nhân viên phục vụ trong ngành điều dưỡng. Đến năm 2035, theo đánh giá của Tổ chức Y tế Đức, nước này sẽ thiếu khoảng hơn 500.000 nhân sự điều dưỡng. Sự già hóa dân số của Đức đang diễn ra rất nhanh với 21% đã quá tuổi lao động.
Dự báo đến năm 2035, nước này sẽ thiếu hụt khoảng 1,8 triệu nhân lực trong ngành y tế nói chung và ngành điều dưỡng nói riêng. "Do đó, Đức đã thông qua dự luật mới nhằm tạo điều kiện cho du học sinh Việt Nam và các quốc gia khác được hưởng những chế độ, trợ cấp tốt hằng tháng cùng cơ hội định cư vĩnh viễn tại Đức sau khoảng thời gian học tập và làm việc tại đây" - ông Jens Reinwardt nói.
Sự thiếu hụt này thể hiện rõ tại các bệnh viện (BV) của Đức. Ông Nagi Salaz, Giám đốc phụ trách Khối điều dưỡng hội nhập của BV Charite (Đức), cho hay mỗi năm, BV có nhu cầu tuyển dụng khoảng 600 điều dưỡng viên nên BV đang tích cực hợp tác với các đối tác tại Việt Nam để bổ sung nguồn ứng viên. BV này cam kết với ứng viên sau khi được tuyển dụng sẽ hỗ trợ kinh phí đào tạo ngôn ngữ từ 6 - 8 tháng, được hỗ trợ các thủ tục cần thiết để có thị thực nhập cảnh vào làm việc tại Đức...
Thu nhập hấp dẫn
Tại châu Á, Nhật Bản đang đối diện sự thiếu hụt nghiêm trọng nhân viên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT). Chính phủ nước này đã công nhận công việc chăm sóc NCT đang thiếu hụt lao động và đưa ra một loại thị thực mới với 14 ngành ưu đãi, bao gồm điều dưỡng và chăm sóc NCT.
NLĐ nhập cư từ các nước có thể ở lại Nhật Bản tới 5 năm để làm các công việc liên quan tới chăm sóc sức khỏe; được quyền thay đổi người sử dụng lao động và cơ hội chuyển sang thường trú nhân. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ tuyển dụng và hỗ trợ NLĐ nhập cư, bao gồm cả việc hòa nhập. Nỗ lực này của Chính phủ Nhật Bản đã thu hút khoảng 27.000 lao động điều dưỡng đã được cấp thị thực vào Nhật Bản từ cuối năm 2023 và đang tiến triển mạnh.
Theo Viện Lowy (Úc), tình trạng thiếu hụt lao động của ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe NCT dự báo lên tới 110.000 người vào năm 2030. "Lao động nhập cư sẽ phải đóng vai trò trung tâm, điều mà Chính phủ Úc đã nhận ra khi đề xuất một lộ trình cấp thị thực "Kỹ năng thiết yếu" mới" - Viện Lowy nhận định. Nhiều chuyên gia đánh giá Úc có chính sách thu hút lao động tốt, nhất là bảo đảm nhập cư an toàn cho NLĐ nước ngoài làm công việc chăm sóc sức khỏe và mức lương cao.
Đặng Ngọc Quý, một điều dưỡng trẻ người Việt đang làm việc tại Úc, cho biết công việc điều dưỡng rất được trọng dụng tại xứ sở kangaroo. Cô gái đến từ Bến Tre này cho biết sau khi tốt nghiệp THPT, cô sang Úc du học nghề và chọn ngành điều dưỡng bởi nhận thấy nhu cầu nhân lực ngành này tại Úc rất cao.
Ban đầu người thân của Quý phản đối vì người Úc thì to lớn trong khi Quý chỉ cao 1,5 m, năng có 45 kg. Nhưng khi đi làm, Quý thấy công việc khá nhẹ nhàng. "Tôi vừa học vừa làm hơn 3 năm. Hiện tôi làm nhân viên y tế cộng đồng tại TP Adelaide, với thu nhập trước thuế là 77.000 AUD/năm (khoảng 1,2 tỉ đồng)" - Quý bày tỏ.
TS Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, nhận định khả năng cung ứng nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe, y tá, điều dưỡng, hộ lý của Việt Nam là rất cao. Bởi nước ta có nền y tế phát triển, với nhiều cơ sở đủ điều kiện đào tạo nhân lực chất lượng cao. Vấn đề còn lại là sự hợp tác giữa cung - cầu. Đặc biệt là phải đào tạo chuyên môn điều dưỡng song song với đào tạo ngoại ngữ để NLĐ rút ngắn thời gian, sớm gia nhập thị trường lao động quốc tế.
"Lương tháng của NLĐ làm việc trong ngành chăm sóc sức khỏe tại Úc khoảng 80 triệu đồng, Nhật Bản 30 - 35 triệu đồng, Đức 80 - 90 triệu đồng. Với mức lương hấp dẫn như vậy, sẽ thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của NLĐ Việt Nam" - TS Lê Lâm đánh giá. |
Theo nld