Người cao tuổi ở Nhật vẫn phải làm việc do thiếu hụt lao động trẻ - Ảnh: The Japan Times
"20 năm trước chúng tôi không bao giờ nghĩ mình lại cần lao động nước ngoài đến như vậy" - ông Ishikura Satoru, giám đốc Công ty Ishikura Men, tỉnh Niigata, chuyên sản xuất mì sợi lớn thứ ba ở Nhật Bản, giải thích với Tuổi Trẻ việc tại sao lại có đến 200 lao động người nước ngoài, chiếm đến gần 50% tổng số lao động ở công ty của ông. Ông nói: "Các sản phẩm mì của chúng tôi nhiều năm qua được làm thủ công, nhu cầu tiêu thụ ngày càng nhiều trong khi thanh niên, lao động trẻ người Nhật không muốn làm những công việc tay chân, người già ngày càng già nên chúng tôi buộc phải tuyển thêm lao động nước ngoài để bù đắp sự thiếu hụt này".
Thành phố của người già
Khi chúng tôi đến thành phố Takayama, tỉnh Gifu của Nhật, một trong những địa danh du lịch nổi tiếng, hầu như mọi dịch vụ tại thành phố này đều do người già cung cấp.
Phòng trọ có chừng 20 khách trọ nơi chúng tôi nghỉ ngơi, mọi việc từ đón tiếp khách, dọn dẹp, pha trà nước... đều do hai vợ chồng gần 70 tuổi đảm trách.
Khi được hỏi vì sao không thuê người, hai vợ chồng già cho biết con trai họ cũng như những người trẻ ở địa phương này đều dọn đến sống, làm việc ở các trung tâm kinh tế lớn nên "mọi việc đều do người già chúng tôi đảm nhiệm mà thôi".
Tỉnh Gifu chưa được xem là tỉnh có tỉ lệ dân số già cao của đất nước với 27,2% dân số trên 65 tuổi vào năm 2014.
Đây cũng là một vấn đề mà Nhật Bản đang đối mặt trong bối cảnh thiếu hụt nguồn lao động, dân số già hóa, và sụt giảm dân số.
Ở tỉnh Akita, nơi có tỉ lệ dân số già cao nhất trong số 47 tỉnh thành của Nhật, hiện có hơn 1/3 dân số trên 65 tuổi.
Theo dự đoán của Viện Nghiên cứu dân số và an sinh xã hội quốc gia của Nhật, đến năm 2040 con số này sẽ lên đến 43,8%.
Một giải pháp để Nhật giải quyết vấn đề già hoá dân số là nâng tuổi về hưu lên 65 tuổi - Ảnh: Independent UK
Tuy nhiên, Akita không phải tỉnh duy nhất phải đối mặt với vấn đề này. Đến năm 2040, toàn bộ 47 tỉnh thành của Nhật Bản sẽ có hơn 30% dân số trên 65 tuổi.
"Số lượng người Nhật gần hết độ tuổi lao động chiếm phần đông dân số Nhật.
Tình trạng dân số giảm, người trẻ không chịu kết hôn, và tỉ lệ dân số ở độ tuổi lao động thấp là nguyên nhân chính dẫn đến sự khan hiếm nguồn lao động" - ông Hiroki Tojo, giám đốc Công ty Okamura Home tại Việt Nam, chia sẻ với chúng tôi.
Công ty của ông ở Nhật là một trong số các công ty phải chọn cho mình việc tuyển dụng lao động nước ngoài để giải quyết vấn đề thiếu hụt người làm.
Giới trẻ Nhật bớt đi tâm huyết
Với dân số già chiếm tỉ lệ ngày càng cao, Chính phủ Nhật Bản bị đặt trước những thách thức về lao động.
Tính đến tháng 1-2018, tỉ lệ thất nghiệp toàn quốc chỉ nằm ở mức 2,4%, thấp nhất trong 24 năm qua, nhưng có đến 40% vị trí làm việc tại Nhật không kiếm được người làm.
Một trong những phương án của chính phủ đưa ra là khuyến khích phụ nữ tham gia thị trường lao động.
Thống kê của Bộ Ngoại giao và truyền thông Nhật Bản cho thấy tháng 8 năm nay dù đã có đến 70% phụ nữ (tỉ lệ phụ nữ đi làm cao nhất trong lịch sử Nhật kể từ năm 1968) tham gia thị trường lao động nhưng tình hình vẫn không khả quan.
PGS.TS Carola Hommerich cho rằng chiến lược "nền kinh tế phụ nữ" (khuyến khích nữ giới đi làm) của Thủ tướng Shinzo Abe không thể cung ứng đủ nguồn lao động đang thiếu hụt trầm trọng của Nhật Bản.
"Dân số Nhật đang già hóa nhanh chóng buộc chính phủ cần đến người nhập cư để giải quyết sự suy giảm lực lượng lao động" - PGS.TS Carola Hommerich phân tích.
Một vấn đề đáng lưu ý khác là sự thay đổi trong thái độ làm việc của người Nhật, đặc biệt là giới trẻ hiện nay so với những năm 80 của thế kỷ trước.
Theo giải thích của ông Koichi Takenaka - giám đốc chi nhánh ở Đồng Nai của Công ty Hondaplus Vietnam, giới trẻ Nhật hiện nay không còn tinh thần làm việc hăng hái, nỗ lực vì công ty như các thế hệ trước.
Ông cho rằng giới trẻ Nhật dường như rất thực dụng và không còn tâm huyết để tiếp tục học hỏi và làm việc, ngay cả khi các công ty tạo điều kiện cho họ đi học họ cũng sẽ không đi nếu không thấy được cái lợi về tiền.
Còn ông Hiroki Tojo lại cho rằng trong khi tố chất này đang dần trở nên hiếm ở các bạn trẻ người Nhật thì nó lại trở thành điểm mạnh ở các lao động nước ngoài tại Nhật Bản, đặc biệt là lao động Việt Nam.
Ông Hiroki Tojo, giám đốc Okamura Home tại Việt Nam - Ảnh: Lê Nam
Một trong những nơi mà sự thay đổi có thể được thấy một cách rõ rệt nhất là vùng đánh cá của tỉnh Hiroshima. Cứ sáu lao động trong nước thì có một lao động nước ngoài - tỉ lệ lao động nước ngoài cao nhất Nhật. Tính độ tuổi 20 đến 40 thì một lao động là người nước ngoài.
Những thành phố của Nhật có người nước ngoài sinh sống cao nhất hiện nay là Yokohama (92.117 người), Nagoya (77.668), Kobe (46.831), quận Shinjuku thuộc Tokyo (43.354) và Kawasaki (38.651).
Dân số Nhật đang già hóa nhanh chóng buộc chính phủ cần đến người nhập cư để giải quyết sự suy giảm lực lượng lao động. PGS.TS Carola Hommerich |
54% dân Nhật ủng hộ mở cửa cho lao động nước ngoài Trong năm 2017, Nhật Bản đã có đến 1,28 triệu lao động nước ngoài trên tổng số 66 triệu lao động, theo báo The Guardian. Được biết đến là một trong những xã hội khép kín nhất thế giới, trước đây người Nhật phản đối lao động nhập cư và chỉ chấp nhận người nước ngoài ở một số lĩnh vực như giảng dạy, y học, kỹ thuật và luật. Tuy nhiên, trong cuộc khảo sát gần đây thực hiện bởi Đài truyền hình TV Tokyo và báo Nikkei cho thấy có đến 54% người Nhật ủng hộ việc chính phủ mở cửa cho lao động phổ thông nước ngoài, trong khi chỉ 36% không ủng hộ. Phần đông người ủng hộ là giới trẻ với suy nghĩ cởi mở hơn những thế hệ trước. |
Theo tuoitre