Thực tập sinh Việt Nam làm việc tại nhà máy sản xuất ôtô ở tỉnh Chiba tháng 10-2018 - Ảnh chụp màn hình

Việc ban hành các quy định và hướng dẫn thi hành là bước chuẩn bị cho chính sách thị thực mới sẽ bắt đầu có hiệu lực sau ngày 1-4 tới, theo nhật báo Mainichi ngày 15-3. Tất cả các quy định này đều được đăng tải trên trang chủ chính thức của Bộ Nội vụ Nhật Bản.

Nhiều vấn đề liên quan sát sườn tới sức khỏe và quyền lợi của người lao động nước ngoài đã được đề cập trong bộ quy định, từ việc sàng lọc các công ty tiếp nhận đến trả lương công bằng và bảo vệ lao động trước các công ty môi giới lừa đảo.

Đây đều là những vấn đề được các nước có đông lao động đang làm việc tại Nhật Bản, bao gồm Việt Nam, bày tỏ quan ngại và đề nghị cải thiện sau khi Tokyo thay đổi hệ thống thị thực.

Theo đó, những công ty tại Nhật Bản muốn thuê lao động người nước ngoài phải là những công ty chưa từng vi phạm luật nhập cư, hay các quy định về lao động khác trong thời gian 5 năm trở lại đây.

Đáng chú ý, các công ty này phải trả lương cho lao động nước ngoài mức lương tương đương hoặc cao hơn so với mức lương trả cho lao động người Nhật Bản. Việc trả lương phải được thực hiện một cách hợp pháp thông qua tài khoản ngân hàng của người lao động.

Ngoài ra, các công ty tiếp nhận có nghĩa vụ hỗ trợ người lao động đăng ký hợp đồng điện thoại di động.

Để loại bỏ vai trò trung gian của các công ty môi giới lừa đảo hay kém chất lượng, cơ quan chức năng khi làm thủ tục nhập cảnh cho lao động nước ngoài vào Nhật Bản sẽ xác minh rõ người lao động đã được mua bảo hiểm hay chưa.

Ngược lại, người lao động cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn về sức khỏe mới được cấp thị thực nhập cảnh. Trong trường hợp lao động về nước nhưng không đủ khả năng trang trải chi phí đi lại, công ty sử dụng lao động có nghĩa vụ trả số tiền này thay cho người lao động.

Nghị định của Chính phủ Nhật Bản cũng xác định rõ những nguyên tắc đối với "Cơ quan hỗ trợ đăng ký", một tổ chức có nhiệm vụ thay mặt các công ty để hỗ trợ người lao động nước ngoài.

Theo hệ thống thị thực mới, lao động nước ngoài từ 18 tuổi trở lên sẽ được tiếp nhận theo hai loại thị thực. 

Thực tập sinh Việt Nam làm việc tại một công trường xây dựng ở Tokyo - Ảnh chụp màn hình


Loại đầu tiên đòi hỏi người lao động có trình độ học vấn và kinh nghiệm nhất định, trong khi loại thứ hai dành cho nhóm có kỹ năng làm việc cao hơn. Để được cấp thị thực loại 1, có hiệu lực tới 5 năm, người lao động phải chứng minh có khả năng giao tiếp cơ bản bằng tiếng Nhật thông qua các bài kiểm tra tiếng Nhật. 

Những người đã trải qua chương trình tu nghiệp sinh kỹ thuật kéo dài hơn 3 năm có thể đăng ký xin thị thực loại này mà không cần phải thực hiện các bài kiểm tra. Tuy nhiên, những người lao động trong nhóm này sẽ không được phép đưa gia đình tới Nhật Bản. 

Trong khi đó, loại 2 có khung yêu cầu cao hơn, buộc người lao động phải vượt qua bài kiểm tra kỹ năng cấp độ cao hơn. Đổi lại, họ được phép đưa gia đình đi cùng, số lần gia hạn thị thực cũng không bị hạn chế, từ đó mở ra cơ hội định cư tại Nhật Bản.

Việc thay đổi chính sách thị thực có thể giúp Nhật Bản có thêm 340.000 lao động nước ngoài trong vòng 5 năm tới.

Theo tuoitre