leftcenterrightdel
Người lao động học tiếng Hàn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình, trước khi đi xuất khẩu. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN) 

Theo con số thống kê từ các doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, trong quý 1 năm nay, cả nước đã đưa 35.933 người ra nước ngoài làm việc; trong đó, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc cùng một số quốc gia châu Âu tiếp tục là những thị trường xuất khẩu lao động lớn, có nhiều lao động Việt Nam sang làm việc.

Những con số này cũng cho thấy, chủ trương đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không những giải quyết việc làm cho người dân mà còn góp phần vào mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội…

Những con số ấn tượng

Thiên Lộc - một xã thuần nông của huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, có dân số hơn 7.500 người, hiện nay, 1.367 con em trong xã đang là làm việc tại nước ngoài, chủ yếu tại các thị trường như Đức, Pháp, Séc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ngoài xã Thiên Lộc, nhiều địa phương tại Hà Tĩnh cũng đang có đông người dân đi làm việc ở nước ngoài.

Trong 10 năm qua, Hà Tĩnh có 80.557 người lao động ở nước ngoài theo hợp đồng, bình quân có trên 7.500 người/năm. Riêng năm 2023, Hà Tĩnh có hơn 12.000 người đi lao động các nước, vùng lãnh thổ, trong đó chủ yếu là các thị trường lao động truyền thống như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh, bình quân mỗi năm số tiền người lao động làm việc ở nước ngoài được trả theo hợp đồng đạt từ 6.800-7.000 tỷ đồng. Trong đó, số ngoại tệ gửi về nước trên 4.000 tỷ đồng, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, hỗ trợ đầu tư cho các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, Hà Tĩnh phấn đấu mỗi năm đưa khoảng 8.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh các thị trường truyền thống, sẽ mở rộng thị trường, hướng tới các nước như Đức, Nga, Australia, Israel và một số nước châu Âu khác.

Tại tỉnh Thái Bình, việc đưa lao động địa phương đi làm việc tại nước ngoài được đẩy mạnh trong những năm qua đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt về kinh tế-xã hội. Hằng năm, ngoại hối nước ngoài gửi về tỉnh qua hệ thống các ngân hàng thương mại khoảng trên 83 triệu USD, tương đương 1.992 tỷ đồng Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Hằng năm, ngoại hối nước ngoài gửi về tỉnh qua hệ thống các ngân hàng thương mại khoảng trên 83 triệu USD. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đa số lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về nước có kỹ năng làm việc, có ngoại ngữ tốt, ý thức kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp tốt, nhất là lao động trở về từ các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc được chủ doanh nghiệp trong nước tiếp nhận làm việc.

Gần đây, Thái Bình thực hiện thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo Nghị quyết số 59/NQ-CP của Chính phủ và Công văn số 2188/LĐTBXH-QLLĐNN của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Ba huyện gồm Quỳnh Phụ, Vũ Thư, Kiến Xương của tỉnh này đã đưa 105 lượt lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc.

Một số lao động mẫu mực theo tiêu chuẩn quy định được chủ doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục ký hợp đồng lao động. Điều này cho thấy hình ảnh, chất lượng lao động Việt Nam nói chung và lao động Thái Bình nói riêng đang dần được cải thiện, tạo sự tin tưởng đối với chủ doanh nghiệp nước ngoài.

Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài nhiều năm qua là chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước. Trong đó, ưu tiên đưa lao động đi làm việc ở một số thị trường tiềm năng theo những ngành nghề an toàn, phù hợp và có thu nhập cao đối với người lao động; ưu tiên đưa lao động ở vùng khó khăn, đối tượng chính sách xã hội đi làm việc ở các thị trường.

Đồng thời, ổn định, duy trì các thị trường hiện có, phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam. Riêng năm 2023, Việt Nam đưa được hơn 159.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, vượt 33,3% kế hoạch năm. Đây là số lao động đi làm việc ở nước ngoài cao nhất trong hơn 10 năm qua.

Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã thúc đẩy đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các chương trình phi lợi nhuận và lan tỏa thông tin đến nhiều người dân, người lao động, trong đó có người nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn. Đồng thời, thúc đẩy đàm phán mở rộng ngành nghề, thị trường tiếp nhận lao động với các đối tác Hàn Quốc, Đức, Australia để mở rộng thị trường cho những năm tới…

Năm nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa 125.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó tập trung vào một số thị trường trọng điểm, truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Đáng chú ý, nhu cầu về nguồn nhân lực nước ngoài của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức tiếp tục gia tăng là các yếu tố thuận lợi, tạo tiền đề cho việc triển khai thực hiện các chương trình trong năm nay và các năm tiếp theo.

leftcenterrightdel
 Anh Phạm Văn Trờ tại xã Ba Thành (Ba Tơ, Quảng Ngãi) cùng vợ sắp xếp hành lý để sang Nhật Bản làm việc theo hợp đồng. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Như chia sẻ của Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại nghị trường Quốc hội mới đây: theo tinh thần Luật đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, trung bình 1 năm có khoảng 120.000 đến 143.000 người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Nguồn lực lao động ở nước ngoài này trung bình một năm đem lại nguồn lợi cho đất nước từ 3,5-4 tỷ USD.

Tăng cường quản lý lao động

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, qua số liệu báo cáo của các doanh nghiệp, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tháng Ba vừa qua là 12.738 lao động. Tính chung trong quý 1 năm nay, có 35.933 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục là các thị trường tiếp nhận chủ yếu lao động Việt Nam sang làm việc.

Bên cạnh hai thị trường lớn trên, lao động Việt Nam còn sang làm việc tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Rumani, Thái Lan, Macao (Trung Quốc), Arab Saudi, Hungary và các thị trường khác… Dù kết quả đạt được là tích cực, song việc lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài đang tồn tại nhiều vấn đề, trong đó có tình trạng vi phạm hợp đồng (bỏ trốn) và cư trú bất hợp pháp tại các nước, vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản.

Mục đích của lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp là để ở lại nước ngoài làm việc lâu hơn, có thu nhập cao hơn so với làm việc theo hợp đồng. Trước tình trạng đó, năm 2023, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phải ra thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) đợt 1 năm 2023 đối với 8 huyện, thị xã, thành phố của 4 tỉnh, do vẫn không giảm được tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước.

Tại Rumani, nơi có gần 11.000 lao động Việt Nam đang làm việc, thu nhập ổn định và được đánh giá là thị trường trọng điểm, tiềm năng, thủ tục cấp visa thông thoáng, có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài. Tuy nhiên, gần đây đã phát sinh tình trạng lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc nghe theo đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ di cư trái phép sang nước khác..., gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người lao động Việt Nam làm việc tại đây.

Đầu năm nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ra công văn yêu cầu các doanh nghiệp nghiêm túc chấn chỉnh tình trạng này. Một trong những yêu cầu đối với các doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam sang Rumani làm việc là giáo dục định hướng, phổ biến cho người lao động về những rủi ro nếu bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc và trách nhiệm tuân thủ pháp luật nước sở tại.

Đặc biệt, doanh nghiệp rà soát danh sách lao động bỏ trốn theo quê quán để xác định các địa phương có nhiều lao động bỏ hợp đồng, trốn sang nước thứ ba để có phương án tuyển chọn phù hợp cho các đợt tuyển dụng tiếp theo.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới.

Kế hoạch này không chỉ xây dựng chiến lược đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, mà còn chú trọng giải pháp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người lao động nhằm ngăn ngừa, hạn chế tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài vi phạm pháp luật, cư trú bất hợp pháp; tăng cường cơ chế phối hợp thông tin kịp thời, hiệu quả về các vấn đề phát sinh của người lao động đi làm việc ở nước ngoài./.

Theo vietnamplus