Lao động trẻ có nguy cơ thất nghiệp nếu không "chủ động" nâng cao tay nghề, làm chủ công nghệ thông tin - Ảnh: HÀ QUÂN
Theo báo cáo của Cục Việc làm (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), năm 2021, tỉ lệ thất nghiệp tăng đột biến, vượt mốc 4% (cao nhất 10 năm qua).
Bên cạnh đó, hàng chục triệu lao động bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập (quý 4-2021 là 24,7 triệu người); lao động có việc làm giảm; đời sống công nhân lao động trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp lĩnh vực vận tải, du lịch, nhà hàng, khách sạn và lao động tự do gặp khó khăn…
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Lê Văn Thanh cho hay, năm 2022, dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng như thị trường lao động Việt Nam.
Do đó, bộ đặc biệt quan tâm đến thị trường lao động, kết nối giữa người lao động - doanh nghiệp - trung tâm dịch vụ việc làm - doanh nghiệp dịch vụ việc làm chặt chẽ hơn. Vấn đề bảo hiểm thất nghiệp - “giá đỡ giảm sốc” do ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ tiếp tục phát huy vai trò hỗ trợ, trợ cấp, tư vấn việc làm mới cho người lao động.
Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Lê Văn Thanh (đứng) - Ảnh: HÀ QUÂN
“Bộ sẽ tập trung đào tạo thanh niên có kỹ năng, có bằng cấp để duy trì việc làm ổn định. Đồng thời, phát triển thị trường lao động để người lao động nói chung và lao động trẻ nói riêng tìm việc làm bất cứ chỗ nào, bất cứ hình thức nào thông qua sàn lao động điện tử, không gian mạng...
Từ đó, thanh niên có việc làm, doanh nghiệp có nhân lực đáp ứng cho từng loại hình công việc. Năm 2022 và những năm tiếp theo, thị trường lao động tiếp tục thay đổi vì chúng ta đang trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với nhiều loại hình công việc thay đổi.
Thanh niên có lợi thế tiếp cận nhanh với công nghệ thông tin, loại hình hiện đại nhưng với điều kiện có đầy đủ kiến thức, chủ động liên hệ doanh nghiệp, trang mạng tìm việc, trung tâm dịch vụ việc làm…”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nói.
Trước đó, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022 sáng 18-1, Thứ trưởng Lê Văn Thanh ghi nhận vai trò của Cục Việc làm trong tham mưu các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng gặp khó khăn do dịch COVID-19 như nghị quyết 68 (gói 26.000 tỉ đồng), nghị quyết 116 (gói 38.000 tỉ đồng)...
Tuy vậy, ông Thanh cũng lưu ý Cục Việc làm phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan liên quan tập trung xây dựng, tham mưu dự thảo sửa đổi Luật việc làm (dự kiến trình Chính phủ quý 4-2022), Luật bảo hiểm xã hội.
Trong hội nghị, cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình cho hay trong năm 2022, cục sẽ chú trọng quản lý lao động, đặc biệt là lao động nước ngoài tại Việt Nam; quản lý lao động qua sổ điện tử gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; quan tâm hỗ trợ lao động tự do… |