leftcenterrightdel
 Người lao động chia tay người thân tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) trước khi sang Nhật Bản làm việc

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM, giai đoạn từ tháng 1-2020 đến tháng 6-2024, tổng số lao động ở thành phố đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 25.763 người. Các thị trường được người lao động (NLĐ) chọn đi làm việc là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), với 4 nhóm ngành nghề: sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, thuyền viên. Thu nhập bình quân từ 15 - 28 triệu đồng/người/tháng.

Nhiều bất cập

Từ Quỹ Quốc gia về việc làm và nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, thành phố đã giải ngân hơn 12.839 tỉ đồng để cho 202.763 lao động vay nhằm tự tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Song, mục đích vay vốn chủ yếu tập trung vào các nội dung kinh doanh, dịch vụ (88,1%), sản xuất tiểu thủ công nghiệp (7,9%), chăn nuôi, trồng trọt (4%), không có trường hợp nào vay vốn đi xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Đại diện Sở LĐ-TB-XH TP HCM cho hay giai đoạn 2021-2025, thành phố đã thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cụ thể là chính sách hỗ trợ không hoàn lại (gồm đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tiền ăn trong thời gian đào tạo, chi phí đi lại, chi phí làm thủ tục đi làm việc ở nước ngoài) và chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ nguồn vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo (được vay tối đa theo giá trị của hợp đồng, không thế chấp tài sản; thời hạn vay tối đa 120 tháng, riêng hộ mới thoát nghèo thời gian vay tối đa là 60 tháng; lãi suất cho vay 0,5%/tháng, 6%/năm).

Thời gian qua, chính sách hỗ trợ này đã được thông tin rộng rãi đến các địa phương nhưng số lao động thụ hưởng còn hạn chế do mức hỗ trợ đào tạo còn thấp so với chi phí đào tạo thực tế. Ngoài ra, NLĐ thuộc hộ nghèo, cận nghèo đa phần là lao động phổ thông, chưa có tay nghề nên việc tiếp thu kiến thức từ các chương trình đào tạo, trình độ kỹ thuật, ngoại ngữ còn hạn chế. "Trong khi đó, yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài ngày càng cao, NLĐ khó đáp ứng điều kiện để ra nước ngoài làm việc" - đại diện Sở LĐ-TB-XH đánh giá.

Còn ông Bùi Văn Sổn, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) - Chi nhánh TP HCM, cho rằng theo quy định, đối với mức vay từ 100 triệu đồng trở lên, NLĐ vay vốn ưu đãi để đi XKLĐ phải có tài sản bảo đảm tiền vay. Thực tế số tiền vay để đi làm việc ở nước ngoài thấp nhưng phải thế chấp tài sản (chủ yếu là nhà, đất) có giá trị cao nên NLĐ chọn các hình thức vay khác. 

"Chương trình cho vay tự tạo, duy trì và mở rộng việc làm là giải pháp căn cơ để hỗ trợ NLĐ thoát nghèo bền vững. Hiện nay, nhu cầu vay vốn của NLĐ để tự tạo việc làm, bao gồm cả đi XKLĐ là rất lớn" - ông Sổn nói.

Gỡ khó cho người lao động

Ông Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông (quận 12, TP HCM), cho biết trường đã được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH) cấp phép đưa điều dưỡng sang Đức làm việc từ năm 2020. Từ thực tiễn tại trường cho thấy hiện nay, một số thị trường lao động nước ngoài đòi hỏi NLĐ trước khi đi phải đáp ứng một số tiêu chuẩn tối thiểu về ngoại ngữ.

NLĐ muốn đi, ngoài bỏ thời gian theo học còn phải tốn từ 20 - 40 triệu đồng để học ngoại ngữ, chưa kể mất khoản thu nhập vì không thể đi làm trong thời gian học. Trong khi đó, để được vay vốn từ Ngân hàng CSXH, NLĐ phải có hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài mới được giải quyết, điều này gây khó khăn cho NLĐ. 

Nên chăng có khoản tín dụng từ Ngân hàng CSXH cho đơn vị, DN có chức năng đưa NLĐ đi XKLĐ vay dựa trên số lượng lao động đầu ra (do DN đề xuất và bảo đảm). "Trường hợp NLĐ đi được, khoản nợ đó sẽ được chuyển từ DN sang NLĐ và NLĐ có trách nhiệm hoàn trả. Ngược lại, nếu NLĐ không đạt tiêu chuẩn để đi thì DN hoàn trả khoản vay cho ngân hàng" - ông Hải đề xuất.

Theo luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, Luật Việc làm hiện hành quy định đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ giới hạn tại 5 nhóm lao động (người dân tộc thiểu số, thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân người có công với cách mạng), trong khi thực tế còn nhiều đối tượng khó khăn khác cũng cần được hỗ trợ nhưng không có cơ hội tiếp cận nguồn vay ưu đãi để đi XKLĐ.

Tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ LĐ-TB-XH đã đề xuất bổ sung đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài như NLĐ thuộc hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình; NLĐ là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện sau khi kết thúc chương trình, đề án, dự án, trí thức trẻ tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng; NLĐ thuộc xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Nhưng vẫn chưa bao quát hết các đối tượng cần hỗ trợ. 

"Cần bổ sung đối tượng là NLĐ bị thất nghiệp chưa tìm được việc làm sau 12 tháng; NLĐ không thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nhưng được chính quyền địa phương tại nơi cư trú xác nhận hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn" - ông Tín nói. 

Đề xuất vay không cần thế chấp tài sản

Kết quả khảo sát của Sở LĐ-TB-XH và Ngân hàng CSXH - Chi nhánh TP HCM cho thấy năm 2025, tổng số vốn dự kiến vay là 2.512 tỉ đồng; giai đoạn 2026-2030 là 14.029 tỉ đồng. Song, nguồn vốn hiện chưa đáp ứng nhu cầu. Do vậy, Ngân hàng CSXH đề nghị HĐND và UBND thành phố tiếp tục cấp bổ sung nguồn vốn hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu của NLĐ.

Nhằm thiết thực hỗ trợ NLĐ đi XKLĐ, Sở LĐ-TB-XH TP HCM đề xuất Chính phủ cần xem xét cho phép NLĐ được vay theo giá trị thực tế của hợp đồng mà không cần thế chấp tài sản (đối với trường hợp vay từ 100 triệu đồng trở lên).

Theo nld