|
|
Lao động Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất, chuẩn bị ra nước ngoài làm việc Ảnh: GIANG NAM |
Tại Liên minh châu Âu (EU), AI là công cụ giúp các quốc gia thành viên bảo vệ biên giới trước mối đe dọa về sự gia tăng mạnh mẽ lượng người di cư và XKLĐ. Ủy ban châu Âu đã quy định việc áp dụng AI để kiểm soát XKLĐ theo phụ lục III, đoạn 7 - Đạo luật AI.
Theo đó, hệ thống AI được các cơ quan công quyền sử dụng khi làm máy phát hiện nói dối và các công cụ tương tự để nắm được trạng thái cảm xúc của cá nhân; đánh giá rủi ro - bao gồm rủi ro an ninh, nhập cư bất hợp pháp hay rủi ro sức khỏe - do cá nhân có ý định nhập cảnh hoặc đã nhập cảnh lãnh thổ quốc gia thành viên. AI còn được ứng dụng để xác thực giấy tờ đi lại, giấy tờ hỗ trợ của cá nhân; kiểm tra đơn xin tị nạn, thị thực, giấy phép cư trú cũng như khiếu nại liên quan tư cách cá nhân nộp đơn khi XKLĐ...
Như vậy, AI đóng vai trò rất lớn trong việc thực hiện chính sách XKLĐ, từ an ninh biên giới - chủ yếu liên quan kiểm soát biên giới tự động - đến nhận dạng và phân loại đối tượng XKLĐ.
Tại Mỹ, để bảo đảm an ninh biên giới, lực lượng chức năng tập trung vào việc cải thiện hiệu quả xử lý XKLĐ tại biên giới. Năm 2020, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) đã triển khai ứng dụng CBP One để giảm thời gian xử lý tại các điểm nhập cảnh. Thông qua ứng dụng này, cơ quan quản lý có thể xác định số lượng người nộp đơn xin nhập cư lao động có vượt quá khả năng đặt lịch hẹn hay không.
Trong 4 tháng đầu triển khai CBP One, hơn 83.000 người đã đặt lịch hẹn thành công. Ngoài ra, ứng dụng BWT của CBP còn cung cấp thời gian chờ ước tính để đến điểm kiểm tra chính, điểm tiếp xúc đầu tiên với CBP khi qua biên giới đất liền Mỹ - Canada và Mỹ - Mexico...
Tại Việt Nam, AI có thể được ứng dụng để triển khai các hệ thống trong quá trình xử lý đơn xin XKLĐ, thị thực hoặc giấy tờ cư trú và khiếu nại liên quan, giúp cơ quan công quyền bảo vệ quyền tự do và lợi ích hợp pháp của cá nhân trong khi vẫn hài hòa với lợi ích công cộng. Để kiểm soát và bảo đảm quyền của người XKLĐ, việc áp dụng định nghĩa pháp lý chính thức về AI trên phạm vi toàn thế giới là điều cần thiết tại Việt Nam.
Cơ quan chức năng nước ta cũng nên cân nhắc việc bắt buộc những chủ thể sử dụng AI trong quản lý XKLĐ phải đánh giá tác động và ảnh hưởng của AI đối với các quyền cơ bản của người đi XKLĐ. Nhận thức và giám sát chặt chẽ, đầy đủ về việc sử dụng AI sẽ giúp ngăn ngừa các hành vi vi phạm liên quan XKLĐ một cách hiệu quả hơn.
Theo nld