Nhiều lao động Việt Nam mong sớm được xuất cảnh - V.HÀ

Người lao động “mắc kẹt” vô thời hạn

Nếu không có dịch Covid-19, anh Lê Hữu Phước (26 tuổi, ở H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã sang Nhật từ đầu tháng 4 làm công nhân lắp ráp ô tô. Tuy nhiên, lệnh tạm dừng xuất khẩu lao động (XKLĐ) của Bộ LĐ-TB-XH khiến anh Phước tiến thoái lưỡng nan.

Anh Phước chia sẻ: “Bố mẹ đã vay 100 triệu đồng, visa đã có, chỉ chờ ngày lên đường, vậy mà phải dừng lại hết. Chậm mỗi tháng coi như mất đứt 20 triệu tiền lương, trong khi tiền lãi vẫn phải trả. Công ty XKLĐ nói tiếp tục chờ đợi, đến khi nào thì chưa biết, sợ quên tay nghề, tôi phải ôn tại Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội”.

Giống như anh Phước, chị Bùi Thị Quyên (22 tuổi, ở Hà Nam) cũng đã vay mượn để đi làm công nhân lắp ráp điện tử tại Đài Loan và cũng bị "mắc kẹt" vô thời hạn. “Chi phí XKLĐ, học nghề, học tiếng, thuê trọ, visa... sơ sơ 100 triệu đồng, phải cắm cả sổ đỏ vào ngân hàng, trong khi lịch bay dời từ tháng 3 sang tháng 4, nay thì chưa biết đến bao giờ”, chị Quyên tâm sự.

Ông Nguyễn Xuân Hưng, Giám đốc Công ty TNHH hợp tác lao động Laco, cho hay: “Do dịch bệnh, các hoạt động đào tạo, tuyển dụng, xuất cảnh đều tạm dừng, công ty đành cho các học viên về quê tránh dịch chờ thông tin mới. Đến nay, chưa có đơn nào bị hủy, nhưng nhiều visa sắp hết hiệu lực. Chúng tôi chỉ có thể động viên người lao động yên tâm chờ đợi”.

Công ty chúng tôi nằm bất động 3 tháng nay, rất mong Cục Quản lý lao động ngoài nước sớm có hướng dẫn các bước tiếp theo để doanh nghiệp chủ động                                           

Ông Nguyễn Xuân Hưng, (Giám đốc Công ty TNHH Hợp tác lao động Laco)


Doanh nghiệp đóng cửa, trồng rau chờ qua dịch

Ông Hoàng Cao Khải, Giám đốc Công ty cổ phần LMK Việt Nam, đơn vị đã tổ chức đưa gần 2.000 lao động đi XKLĐ năm 2019, cho biết: “Doanh nghiệp chúng tôi trong nhiều tháng nay đã cố gắng cầm cự chờ qua dịch. Dịch tạm qua, nhưng chúng tôi chưa thể gượng nổi, phải thắt chặt chi tiêu, cắt giảm nhân sự, trung tâm đào tạo chuyển sang tăng gia sản xuất, trồng rau sạch”.

Theo ông Nguyễn Đức Nam, Tổng giám đốc Công ty cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại, trung bình mỗi tháng lao động tại Nhật gửi về nhà 20 triệu đồng, lao động tại Đài Loan gửi về 10 triệu đồng. Dừng bay cũng đồng nghĩa với việc lao động mất nguồn thu lớn. “Vấn đề bây giờ không phụ thuộc vào chúng tôi, doanh nghiệp muốn đưa đi nhưng các đối tác chưa tiếp nhận, không xuất cảnh được, doanh nghiệp cố gắng nhưng không thể cầm cự được nữa”, ông Nam nói thêm.

Ông Nam cũng cho hay từ ngày 1.5 công ty đã phải cắt giảm 40% nhân sự, chuyển hướng sang cung ứng nhân lực trong nước.

Cần sớm có hướng dẫn các doanh nghiệp

Theo lệnh của Bộ LĐ-TB-XH, các doanh nghiệp dừng XKLĐ đến hết 30.4, nhưng nay vẫn chưa có hướng dẫn mới từ bộ này khiến các doanh nghiệp thêm lúng túng. Ông Nguyễn Xuân Hưng bày tỏ: “Công ty chúng tôi nằm bất động 3 tháng nay, rất mong Cục Quản lý lao động ngoài nước sớm có hướng dẫn các bước tiếp theo để doanh nghiệp chủ động”.

Ông Nguyễn Đức Nam kiến nghị: “Bộ cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nắm bắt thêm các thị trường, tạo sự thông thoáng thủ tục cho doanh nghiệp để đưa lao động đi khi thị trường mở cửa trở lại. Bộ cũng cần có hướng dẫn chi tiết để doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có thể tiếp cận gói hỗ trợ Chính phủ sớm nhất để bớt khó khăn”.

Theo ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Phó chủ tịch Hiệp hội XKLĐ, hầu hết các doanh nghiệp đều khó khăn. Sau tết, Đài Loan, Nhật Bản vẫn tiếp nhận lao động, nhưng đến quý 2, tất cả các thị trường XKLĐ đều bị dừng. Đến thời điểm này, hợp đồng của các doanh nghiệp vẫn giữ nguyên không vì dịch mà bị cắt, nhưng vẫn chưa thể hoạt động trở lại.

“Tất cả các doanh nghiệp đều có ảnh hưởng nhất định, Bộ cần có dự báo tình hình thị trường, thời gian ảnh hưởng có độ trễ là bao lâu để doanh nghiệp chủ động được ngay không phải chờ đợi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần thương thảo với các đối tác để nếu mở cửa thị trường trở lại vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng”, ông Tân đề nghị.

Để doanh nghiệp sớm vượt qua khủng hoảng, ông Tân cho rằng đây là thời điểm để các doanh nghiệp kiện toàn, chuẩn hóa quy trình XKLĐ, cơ cấu lại bộ máy tổ chức tinh gọn và hiệu quả.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết thị trường XKLĐ lớn nhất của Việt Nam là Nhật Bản và Đài Loan vẫn tiếp tục dừng nhập cảnh đến hết tháng 5. “Chúng tôi tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh và chờ xem chính sách của các quốc gia tiếp nhận lao động. Cục đã báo cáo Bộ, xin ý kiến hướng chỉ đạo đối với những thị trường có thể nới lỏng tiếp nhận lao động trở lại, thị trường nào chưa được nới. Hướng dẫn sẽ sớm được ban hành trong tuần này. Ngoài ra, chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch đào tạo cũng như những giải pháp hỗ trợ người lao động trong thời gian dừng bay”, ông Nam nói.

Theo thanhnien