Nơi ở của thực tập sinh Việt Nam. Ảnh: NHK.
Sở Giám sát tiêu chuẩn lao động Hachinohe, tỉnh Aomori, Nhật Bản đã gửi hồ sơ đến công tố viên để yêu cầu xử lý vấn đề 3 thực tập sinh Việt Nam bị công ty không trả lương đối với phần làm thêm trong những ngày thường và ngày nghỉ. Công ty bị gửi hồ sơ tên là San Kikaku, một công ty may mặc ở thành phố Hachinohe.
Theo Sở Giám sát tiêu chuẩn lao động Hachinohe, công ty này bị cáo buộc là vào tháng 10 năm ngoái, công ty không trả lương cho 3 thực tập sinh đối với phần làm thêm. Tổng cộng không được trả cho 3 người khoảng 500.000 yên (khoảng 100 triệu VND).
Vụ kiện này do Sở Giám sát tiêu chuẩn lao động phát hiện thông qua giám sát thực thi đối với công ty này. Sở đã gửi hồ sơ tới công tố viên vào ngày 6/3.
Giám đốc công ty đã chấp nhận lỗi của mình và đã trả lương thiếu cho 3 thực tập sinh này.
Vị nữ Giám đốc trả lời NHK rằng, không thể trả lương làm thêm cho 3 em thực tập sinh vì kinh doanh công ty gặp khó khăn và hứa sẽ lưu ý để vụ việc như vậy không xảy ra nữa.
Trong khi đó, một vụ việc khác cũng liên quan đến việc thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản, ngày 4/3 vừa qua, một nữ thực tập sinh Việt Nam đã gửi hồ sơ lên Tòa sơ thẩm Kyoto để yêu cầu xử lý vấn đề bị công ty trả lương quá thấp. Nữ thực tập sinh 39 tuổi, từng làm việc tại một công ty may mặc ở thành phố Fukuchiyama, tỉnh Kyoto. Cùng theo NHK.
Theo hồ sơ gửi lên tòa án, công ty chỉ trả tiền lương cơ bản hằng tháng là 60.000 yên (khoảng 12 triệu VNĐ) trong khi trên giấy tờ ghi rõ tiền lương cơ bản là 150.000 yên (khoảng 30 triệu VNĐ).
Ngoài ra, có thời điểm cô bị công ty tịch thu hộ chiếu và sổ ngân hàng. Nữ thực tập sinh yêu cầu công ty chi trả tiền lương còn thiếu và bồi thường cho hành vi nói trên, tổng cộng hơn 3 triệu 600.000 yên (tương đương hơn 720 triệu VNĐ).
Sau khi xin tư vấn của công đoàn cô tham gia với tư cách cá nhân, nữ thực tập sinh đã yêu cầu công ty chi trả tiền lương còn thiếu cũng như cải thiện môi trường lao động, nhưng hầu hết những yêu cầu này đều bị bác bỏ. Cuối cùng cô xin nghỉ việc vào tháng 9 năm ngoái.
Ông Shiomi Takuya, luật sư của nữ thực tập sinh cho biết trong bối cảnh người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản tiếp tục gia tăng, đây là điều không thể chấp nhận được. Ông cũng nói thêm rằng các công ty không nên phân biệt đối xử với người lao động nước ngoài./.
Theo
VOV