Ngoài giải quyết việc làm cho người lao động, xuất khẩu lao động đem về Việt Nam một lượng ngoại tệ hàng năm không nhỏ. Theo thống kê, năm 2007, nguồn thu này đạt 1,6 tỷ USD, cho đến giai đoạn những năm trước khi Covid-19 xảy ra đã đạt mức 3 - 4 tỷ USD/năm, chiếm khoảng trên dưới 20% tổng lượng kiều hối về Việt Nam. Đây là nguồn góp phần cải thiện đời sống của người và gia đình người đi lao động; đối với nhiều thôn, xã có nhiều người đi lao động góp phần thay đổi diện mạo; đối với quố gia đã góp phần ổn định tỷ giá, cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối,…
Ngoài ra, xuất khẩu lao động còn giúp người lao động có cơ hội tiếp cận với máy móc, thiết bị, công nghiệp hiện đại, cơ chế quản lý tiên tiến, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ tay nghề.
Tuy nhiên, khi Covid-19 xảy ra, do các thị trường nhập khẩu lao động ngừng việc tiếp nhận. Các nước châu Âu ngừng trong năm 2020. Hàn Quốc ngừng đến tháng 4/2021. Đài Loan (Trung Quốc) ngừng từ tháng 1/2021 đến trước 15/2/2022. Nhật Bản ngừng từ cuối tháng 1/2021 đến tháng 3/2022… Tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài 10 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 43.000 người.
Sau khi các thị trường tiếp nhận người lao động Việt Nam mở cửa trở lại (châu Âu năm 2021), Hàn Quốc (5/2021), Đài Loan (2/2022), Nhật Bản (3/2022) và một số thị trường khác cũng đã có chính sách tiếp nhận trở lại với các điều kiện và quy định phù hợp trong thời gian qua, mục tiêu được đề ra cho năm 2022 là 90.000 lao động Việt Nam đi xuất khẩu.
Tính từ đầu năm đến 15/6/2022, tổng số lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động đạt 51.677 người (cao hơn số đi trong 10 tháng đầu năm 2021) đến các thị trường chủ yếu: Nhật Bản 32.053, Đài Loan 15.633, Hàn Quốc 1.209, Singapore 853, Trung Quốc 424, Hungary 273, Ba Lan 196, Nga 158. Kỳ vọng năm 2022 sẽ vượt mục tiêu đề ra và dần dần hồi phục trở lại với số lượng trước đại dịch.
Sự hồi phục trên do nhiều yếu tố. Về mặt Nhà nước, năm 2022 đã có nhiều hoạt động tích cực (ngày 20/3 làm việc với Australia để tiếp nhận 1.000 lao động Việt Nam/năm trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngày 21/3 làm việc với Malaysia. Ngày 20/6 làm việc với Nhật Bản bổ sung để mở rộng đối tượng và nâng cao quyền lợi cho thực tập sinh Việt Nam. Thí điểm đưa lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc. Tuyển chọn điều dưỡng viên và hộ lý sang làm việc tại CHLB Đức. Đàm phán hiệp định hợp tác lao động giữa Việt Nam và một số quốc gia…
Các cơ quan chức năng ở Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp và người lao động đã rà soát để khắc phục các hạn chế, các vi phạm luật và các văn bản pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Đối với người đi lao động, thách thức nổi bật là kỹ năng, trình độ còn yếu, ý thức còn thiếu. Do vậy, có một tỷ lệ không nhỏ người đi lao động xuất khẩu đã bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng và lưu trú bất hợp pháp ở nước sở tại, với 2 mục đích có thu nhập cao hơn và để ở lại làm việc lâu dài tại nước sở tại. Tỷ lệ này lớn nhất là đối với thị trường Hàn Quốc, tiếp đến là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc).
Chi phí môi giới cao, làm giảm thu nhập do công sức của người lao động xuất khẩu đã bỏ ra, làm tăng chi phí bỏ ra.
Tình trạng lừa đảo gây hại cho người lao động, tác động xấu đến chính sách xuất khẩu lao động của Nhà nước.
Đối với đơn vị sử dụng lao động xuất khẩu ở nước ngoài có không ít đã vi phạm hợp đồng và bóc lột sức lao động của lao động nhập khẩu.
Để khắc phục các hạn chế, thách thức trên, có nhiều việc phải làm, trong đó có một số công việc chung cần kiểm tra, rà soát toàn diện, cụ thể hoạt động xuất khẩu lao động, từ địa phương đến doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động có giải pháp xử lý những vi phạm, hạn chế các khó khăn, thách thức. Tuyên truyền, giáo dục cho người lao động đi xuất khẩu thấy được các lợi ích, trong đó có mục tiêu tổng quát đối với từng người lao động để đi làm thuê hôm nay ở nước ngoài để trở thành người chủ khi trở về nước trong tương lai. Làm việc với cơ sở nhận lao động xuất khẩu từ Việt Nam để hạn chế, khắc phục các vi phạm hợp đồng, đối xử không tốt hoặc bóc lột ảnh hưởng đến người lao động…
Theo baodautu