Công nhân nữ trong phân xưởng ở Trung Quốc
Nhân viên công ty môi giới đầu tư ở Thượng Hải giải thích với Erica Shu, sinh viên năm cuối đại học Hong Kong tới đây phỏng vấn, rằng phòng đầu tư đã ngừng tuyển dụng nữ giới từ hai năm trước do các ứng viên nữ "kém hiệu quả" trong ngành công nghiệp tài chính, theo
SCMP.
Ứng viên nữ sẽ bị lọc ra trong quá trình tuyển dụng vì các nhà quản lý tin rằng họ không phù hợp với công việc tốn nhiều thời gian và thường xuyên phải đi công tác.
Dù kinh tế tăng trưởng nhanh chóng và trình độ giáo dục của phụ nữ đã được cải thiện trong nhiều thập niên qua, tình trạng phân biệt giới tính trong thị trường việc làm và công sở tại Trung Quốc không có dấu hiệu cải thiện, theo báo cáo được công bố hôm 23/4 của Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW).
Trong báo cáo có tên gọi "Only Men Need Apply (Chỉ tuyển dụng nam giới), HRW cho biết phân biệt giới tính khá phổ biến ở cả lĩnh vực nhà nước và tư nhân.
"Thực tế mọi việc ngày càng tệ hơn. Nếu bạn nhìn vào sự tham gia lực lượng lao động, khoảng cách giữa số lao động nữ và nam, sự cân bằng giới tính, thì bạn sẽ nhận ra tất cả đều đang đi sai hướng. Đây là một vấn đề ảnh hưởng đến 700 triệu người", Kenneth Roth, giám đốc điều hành HRW cho biết.
Cảnh trọng nam khinh nữ trên thị trường việc làm bắt đầu từ việc nữ giới không được xem xét cho các vị trí yêu cầu về thể chất. Chẳng hạn, năm ngoái, 13% nghề nghiệp trên danh sách tuyển dụng của các cơ quan dân sự nhà nước nêu rõ "chỉ nam giới", "ưu tiên nam giới" hoặc "phù hợp cho nam giới". Năm nay con số này có thể tăng lên 19%. Năm ngoái, không có công việc nào ưu tiên phụ nữ, còn năm nay có duy nhất một công việc.
"Thay vì đấu tranh chống phân biệt đối xử trong các quảng cáo tuyển dụng, chính phủ đang thúc đẩy thực trạng này. Nếu tuyển dụng công chức còn thế này thì các công ty tư nhân sẽ cho rằng làm như thế là đúng", Roth nói.
Ở lĩnh vực tư nhân, báo cáo chỉ ra rằng một số công ty công nghệ lớn như Tencent, Alibaba, Meituan và Baidu đều có những quảng cáo nghề nghiệp dành riêng cho nam giới.
Thậm chí, nhiều công ty còn sử dụng ngoại hình của nhân viên nữ để thu hút các ứng viên nam về "đầu quân". Nhiều nhân viên nam thừa nhận đó là lý do họ ứng tuyển và luôn cảm thấy vui vẻ trong công việc.
Cũng như chính phủ, các công ty tư nhân đặt ra những quy tắc để đảm bảo bình đẳng về cơ hội việc làm nhưng lại không thực hiện đầy đủ. "Điều cần thiết là phải nghiêm túc thực hiện", Roth nói.
Trong khi đó, tại tỉnh Hà Bắc, một mẩu quảng cáo tuyển dụng nhân viên hướng dẫn trên tàu yêu cầu các ứng viên nữ phải nặng dưới 65 kg và có "nét mặt bình thường, không có hình xăm, không có sẹo rõ trên mặt, cổ hoặc cánh tay, làn da đẹp".
Một khảo sát được tiến hành năm 2017 của Zhaopin, trang web tuyển dụng lớn nhất Trung Quốc cho thấy 22% phụ nữ nước này bị phân biệt đối xử nghiêm trọng khi tìm việc, trong khi con số này ở nam giới là 14%.
Simance Land, giám đốc điều hành công ty tuyển dụng Greater China at Hays cho biết có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự phân biệt đối xử với phụ nữ trên thị trường việc làm Trung Quốc. Một trong những vấn để lớn nhất đối với chủ lao động là kỳ nghỉ thai sản tối thiểu 98 ngày ở Trung Quốc. Một vài tỉnh và thành phố có thời gian nghỉ thai sản dài hơn như Bắc Kinh là 128 ngày và tỉnh Hà Nam là 190 ngày. Để tránh điều này, một số công ty chỉ tuyển dụng nam giới hoặc ứng viên nữ đã kết hôn và có con.
Lance cho biết phụ nữ ở Trung Quốc có thể được hỏi về kế hoạch gia đình của họ khi phỏng vấn.
"Ở những nơi khác trên thế giới, việc hỏi tình trạng hôn nhân và con cái là điều không thể chấp nhận được. Tuy nhiên ở Trung Quốc, nhiều khả năng những câu hỏi đó sẽ được đưa ra khi phỏng vấn", Lance nói.
HRW cho rằng tình trạng phân biệt đối xử có thể trở nên tồi tệ sau khi Trung Quốc bãi bỏ chính sách một con vào cuối năm 2015, cho phép mỗi gia đình có hai con.
"Điều này có thể khiến tình trạng phân biệt giới tính tồi tệ hơn trong tuyển dụng khi các công ty sẽ càng ít ưu tiên phụ nữ chưa có gia đình vì cho rằng họ có thể nghỉ thai sản hai lần trong quá trình làm việc", báo cáo nhận định.
HRW cho biết, các nhà tuyển dụng vẫn duy trì sự phân biệt đối xử như vậy bởi vấn đề này cũng không được xác định đầy đủ trong luật pháp Trung Quốc và có rất ít cơ chế thực thi hiệu quả.
Wang Quanxing, giáo sư luật lao động tại Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải, cũng đồng ý với quan điểm này.
"Thực thi pháp luật ở Trung Quốc không đủ cứng rắn trong xử lý phân biệt giới tính và chính điều này đã khuyến khích các công ty", Wang nói. Ông cũng cho biết các tòa án nhìn chung thường miễn cưỡng chấp nhận những vụ án liên quan đến kỳ thị giới tính.
Năm 2013, Cao Ju, một cô gái mới tốt nghiệp đại học đã kiện trường luyện thi Juren Academy ở Bắc Kinh vì từ chối thuê cô ấy làm trợ lý hành chính với lý do vị trí đó "chỉ dành cho nam giới".
Tòa án nhân dân quận Hải Điền chỉ đưa vụ kiện ra xét xử sau khi hơn 100 sinh viên đại học ký vào bản kiến nghị. Tuy nhiên, Juren đã giải quyết bằng cách trả cho Cao Ju 30.000 nhân dân tệ (4.800 USD). Ba phụ nữ ở Hàng Châu, Bắc Kinh và Quảng Châu cũng khởi kiện vụ tương tự song chỉ nhận được số tiền đền bù là 2.000 tệ (318 USD).
Geoffrey Crothall, giám đốc truyền thông tại tổ chức phi chính phủ China Labour Bulletin có trụ sở tại Hong Kong nói rằng ông hy vọng nhiều phụ nữ sẽ được truyền cảm hứng từ bốn trường hợp khởi kiện trên.
Trong khi chờ đợi, Erica Shu đã từ bỏ ý định làm việc ở đại lục và tập trung tìm kiếm cơ hội ở Hong Kong.
"Tôi từng tham gia nhiều sự kiện phụ nữ và việc làm do các ngân hàng đầu tư tổ chức ở Hong Kong và tôi chưa bao giờ cảm thấy giới tính sẽ làm hỏng sự nghiệp của mình", cô nói.
Theo VNExpress