Ảnh minh họa
Trước đây, Singapore chỉ là một thuộc địa nhỏ bé của Anh. Kể từ khi giành được độc lập năm 1965, đất nước nhỏ bé, nghèo tài nguyên thiên nhiên này vươn lên trở thành một đất nước an toàn, thịnh vượng và hiện đại bậc nhất châu Á. Trong xã hội đó, nam giới và phụ nữ được tạo điều kiện phát triển trên nhiều phương diện.
Trong khung pháp lý của Singapore nhằm bảo vệ quyền phụ nữ, đáng kể nhất là Hiến chương Phụ nữ được ban hành năm 1961. Đạo luật này đã đưa ra những quy định về việc kết hôn một vợ một chồng, đăng kí kết hôn, ly hôn và chu cấp cho vợ và con trong thời kỳ hôn nhân và sau khi ly hôn… với những điều khoản rõ ràng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người phụ nữ.
Quyền lợi của phụ nữ trong quan hệ lao động cũng được đảm bảo qua các chính sách lao động và việc làm của Chính phủ. Phụ nữ và nam giới có tuổi nghỉ hưu như nhau là 62. Tuy nhiên, do tình trạng thiếu lao động ở quốc gia này nên tuổi nghỉ hưu có thể tăng lên 65. Việc tuyển dụng lao động dựa trên năng lực, không phân biệt tuổi tác, sắc tộc, giới tính, tôn giáo hay tình trạng hôn nhân…
Trong khuôn khổ Chương trình tăng cơ hội lựa chọn việc làm cho phụ nữ 2007, Chính phủ có các biện pháp giúp phụ nữ duy trì tham gia lực lượng lao động và hỗ trợ những phụ nữ không có việc làm gia nhập hoặc trở lại lực lượng lao động. Còn Chương trình xúc tiến việc làm 2013-2016 khuyến khích người sử dụng lao động có cơ chế làm việc linh hoạt đối với những phụ nữ muốn quay trở lại làm việc sau khi sinh con, phụ nữ đang trong thời gian nuôi con nhỏ.
Gói hỗ trợ hôn nhân và làm cha mẹ (bắt đầu năm 2013) đưa ra các biện pháp hỗ trợ tiếp cận nhà ở để khuyến khích kết hôn và sinh con, đài thọ chi phí nuôi con, giúp các cặp vợ chồng cân bằng công việc và gia đình… Với những phụ nữ kết hôn muộn, khó có con thì Chính phủ sẽ hỗ trợ biện pháp y tế để nhanh có con. Phụ nữ cũng được pháp luật bảo vệ trước bạo lực gia đình về thể chất, tinh thần cũng như các hành vi gây sợ hãi. Một tin nhắn đe doạ cũng được coi là bằng chứng bạo lực. Khi bị bạo lực, người vợ có thể gửi đơn ra toà và được toà bảo vệ. Nếu bạo lực nghiêm trọng, người chồng bị đuổi khỏi nhà và lệnh bảo vệ cá nhân được ban hành. Nếu người chồng tiếp tục gây bạo lực thì cảnh sát sẽ bắt giam. Lệnh bảo vệ cá nhân được ban hành là lý do tốt để người vợ ly hôn chồng.
Các tổ chức phụ nữ
Bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ, một số tổ chức phụ nữ hoặc quan tâm hỗ trợ phụ nữ của Singapore cũng đang tham gia tích cực vào các hoạt động nhằm hỗ trợ, bảo vệ quyền phụ nữ. Tổ chức Công đoàn quốc gia (NTUC) đã có nhiều sáng kiến và hoạt động hỗ trợ cho phụ nữ trong công việc với các chương trình đào tạo nghề và kỹ năng làm việc cho phụ nữ để giúp họ có thể quay trở lại làm việc sau khi nghỉ sinh con hoặc để phụ nữ có thể tìm được công việc tốt hơn.
Còn Hội đồng quốc gia các tổ chức Phụ nữ Singapore (SCWO) bao gồm 57 tổ chức phụ nữ thành viên, có một số mô hình hoạt động nhằm tái dựng cuộc sống và nâng cao quyền năng cho phụ nữ như mô hình nhà tạm lánh dành cho phụ nữ bị bạo lực, trung tâm hỗ trợ duy trì hôn nhân, trung tâm công nghệ thông tin, trung tâm hỗ trợ pháp lý miễn phí… Đặc biệt, năm 2012, SCWO khởi xướng Chương trình thúc đẩy bình đẳng giới trong các vị trí lãnh đạo và hội đồng quản trị các công ty (BoardAgender).
Bên cạnh đó, Hiệp hội Phụ nữ vì Hành động và Nghiên cứu (AWARE) cũng đã và đang có nhiều hoạt động nhằm bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ. Năm 2013, AWARE tiến hành vận động hành lang để Chính phủ xem xét công nhận một số lĩnh vực phi quân sự là “nghĩa vụ quốc gia” nhằm đảm bảo phụ nữ cũng được tham gia thực hiện. Trong các hoạt động truyền thông, AWARE tránh sử dụng những thuật ngữ mang tính định kiến giới.
Đối với vấn đề phụ nữ nước ngoài kết hôn với nam giới Singpore, trong đó có phụ nữ Việt Nam, AWARE cũng đang nỗ lực vận động Chính phủ nới lỏng các quy định về cấp quốc tịch để những phụ nữ này có thể được nhập quốc tịch Singapore nhanh hơn, thuận lợi hơn, tránh tình trạng phụ thuộc vào chồng dẫn đến dễ bị tổn thương và thiệt thòi.
Với hành lang pháp lý như vậy, phụ nữ Singapore có điều kiện phát triển và có vị trí xứng đáng trong xã hội. Tỷ lệ nhập học toàn thời gian của sinh viên nữ cao, chiếm 50,4%. Tỷ lệ phụ nữ lực lượng lao động là 57,7%. Phụ nữ hiện diện nhiều hơn trong các lĩnh vực thường được coi là của nam giới như toán, khoa học tự nhiên và các ngành nghiên cứu và phát triển. Ngày càng có nhiều phụ nữ đảm nhiệm vị trí cao trong xã hội. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội là 25,3%, vượt mức bình quân của Liên minh Nghị viện Thế giới (20,9%).
Theo Ban Quốc tế TW Hội LHPNVN - theonlinecitizen.com