Từ khi bắt đầu vào công ty giặt là Kikuya làm việc năm 1995, cô Kazuko Takahashi chưa bao giờ nghỉ một buổi làm nào. Ở những thời điểm công ty có nhiều đơn hàng, mỗi ngày cô phải xử lý từ 300 đến 400 túi quần áo.
Cô sẽ phải kiểm tra từng món đồ một trước khi giặt để đảm bảo các khuy áo sẽ không bị tuột ra. Sau khi giặt xong, cô phải kiểm tra thêm lần nữa để đảm bảo quần áo của khách đã được giặt thật sạch.
Là một bà mẹ đơn thân của cô con gái 15 tuổi, Kazuko cho biết cô rất hài lòng bởi công ty cho phép cô tự sắp xếp thời gian đi làm. Trước đây khi còn sống với chồng, cô không phải lo lắng chút nào về tài chính, thế nhưng sau khi ly hôn, cô đã quay lại đi làm bán thời gian để có tiền nuôi con. Cô cho biết nếu đi làm công việc toàn thời gian, cô sẽ không thể nào có thời gian chăm sóc cho con mình.
Công ty Kikuya có chi nhánh cả ở Tokyo và Saitama. Khoảng hơn 90% nhân viên của công ty là nữ và gần như toàn bộ đều làm việc bán thời gian. Ông Shinichi Nakahata, giám đốc công ty cho biết những phụ nữ làm việc bán thời gian thường ít xin nghỉ việc hơn những người làm toàn thời gian.
Một nhân viên nữ làm parttime tại Kikuya
Ngay chính công ty cũng có rất nhiều chính sách khuyến khích phụ nữ làm việc. ví như lắp đặt thêm hệ thống nâng chở hàng để phụ nữ đỡ vất vả, thay mới một số thiết bị để phụ nữ dễ vận hành hơn. Ngoài ra, từ hơn 10 năm qua, công ty đã cho phép phụ nữ mang con đến nơi làm việc sau khi thời gian học của các cháu kết thúc.Và dù làm việc bán thời gian, tất cả nhân viên nữ có quyền được thăng chức ngang nhau miễn là họ có thành tích tốt trong công việc.
Trường hợp của công ty giặt là Kikuya không phải cá biệt. Cấu trúc gia đình Nhật hiện nay vẫn đặt trọng trách nuôi dạy con cái chủ yếu lên vai người phụ nữ, chính vì vậy sẽ rất khó để phụ nữ đã lập gia đình có thể theo đuổi những công việc toàn thời gian. Việc làm bán thời gian trở thành một nguồn thu nhập không thể thiếu đối với nhiều phụ nữ Nhật.
Có rất nhiều công ty lớn tại Nhật, đặc biệt các công ty bán lẻ chấp nhận cho nhân viên đi làm bán thời gian trong suốt quãng đời sự nghiệp của họ. 7-Eleven là một công ty như thế.
Cô Michiko đã làm ở 7-Eleven suốt 25 năm, từ khi sinh xong đứa con đầu lòng cho đến nay.
Mỗi ngày cô đi làm một ca bán hàng ở 7-Elevent. Số tiền kiếm được mỗi tháng đủ giúp cô chi tiêu tằn tiện cho bản thân. Dù sở hữu một bằng thạc sỹ ngành văn học thế nhưng cô cảm thấy sau khi có con, việc đi làm toàn thời gian trở nên gần như không thể, bởi cô không thể kiếm được ai trông con cho cô với chi phí hợp lý để cô có thể đi làm.
Sự thích nghi của doanh nghiệp Nhật
Đối với nhiều doanh nghiệp Nhật, đặc biệt những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nguồn lao động nữ làm việc bán thời gian mang lại những giá trị ổn định. Những lao động nữ này làm việc rất chăm chỉ và không đòi hỏi mức lương cao, chính vì vậy, chỉ cần quản lý tốt thì doanh nghiệp đã tiết kiệm được khoản chi phí khá lớn.
Để tận dụng tốt nguồn lao động nữ làm việc bán thời gian, không ít doanh nghiệp đã đưa ra chế độ giờ giấc làm việc linh hoạt, lao động nữ có thể đăng ký ca làm theo nguyện vọng của họ, họ có thể được phép làm nhiều hơn khi họ thu xếp được thời gian. Nhiều doanh nghiệp còn xây cả cả trường mẫu giáo gần trụ sở làm việc để các bà mẹ có thể yên tâm đưa con đến đây trong lúc làm việc.
Cuối tháng 6/2015, Nội các Nhật công bố số lượng phụ nữ Nhật tham gia vào lực lượng lao động tăng 250 nghìn lên mức kỷ lục trong nửa thế kỷ, đạt 27,72 triệu người. Con số trên bao gồm cả lao động toàn thời gian và lao động bán thời gian. Tức là 43% phụ nữ Nhật đang tham gia vào lực lượng lao động nước này. Dù còn khiêm tốn so với nhiều nước trên thế giới nhưng đó cũng là một sự cải thiện lớn so với trong quá khứ.
Đối với nhiều doanh nghiệp Nhật, nguồn lao động nữ làm việc bán thời gian mang lại những giá trị ổn định
Công việc bán thời gian cũng mang đến nguồn thu nhập quan trọng cho phần lớn sinh viên nước ngoài đang học tập tại Nhật. Hiện tại ở Nhật có khoảng hơn 200 nghìn sinh viên quốc tế và tốc độ tăng trưởng sinh viên quốc tế ở Nhật hàng năm đều ở mức 2 con số.
Ước tính cho thấy khoảng 75% số sinh viên nước ngoài này đi làm thêm. Nếu làm đúng quy định 28 tiếng/tuần thì khoản tiền thu được mỗi tháng cũng vào khoảng hơn 100 nghìn yên, số tiền gần đủ để trang trải cho tiền sinh hoạt phí đắt đỏ ở Nhật.
Thiếu nhân sự làm bán thời gian
Đa phần các công việc làm bán thời gian là việc chân tay, loại việc mà người Nhật có học vấn thường từ chối làm. Với những công việc cần phải làm việc thời gian cố định và vất vả hơn ví như công nhân xây dựng, thu hoạch nông sản, dọn dẹp, thường thì phụ nữ không thể đảm đương được. Chính vì vậy, trong khi số lượng việc làm đăng tuyển ngày một nhiều hơn và mức lương cũng được điều chỉnh tăng thường xuyên thì Nhật vẫn thiếu người làm.
Chuỗi nhà hàng gia đình Gusto ở Tokyo là một ví dụ. Ông Ran Yagasa, trưởng bộ phận nhân sự của chuỗi nhà hàng cho biết, dù đã nâng lương từ khoảng 900 yên/giờ lên mức 1.100 yên/giờ nhưng ở khu vực phía Tây Tokyo vẫn rất khó tìm đủ người để làm đầu bếp hay phục vụ bàn cho nhà hàng. Mỗi tháng có hàng chục nghìn thông báo đăng tuyển việc làm trong các nhà hàng, điểm kinh doanh dịch vụ, nhà máy mà không có một ứng viên nào nộp đơn.
Hiện tại tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật đã giảm xuống mức 3,3%, số lượng các công việc cần người làm ở mức cao nhất trong 23 năm. Nguồn cung lao động nước ngoài đến Nhật vẫn không đủ đáp ứng cho nhu cầu của thị trường.
Dân số Nhật đang ngày một giảm, mà số lượng lao động nước ngoài không tăng tương xứng để bù đắp cho sự thiếu hụt. Ngoài ra, ngày một nhiều người Nhật từ chối các công việc kém “sang”. Giới chủ của Nhật đang chuẩn bị cho thời điểm sẽ thực sự khan hiếm lao động cho các công việc tay chân này.
Theo Trí Thức Trẻ/ cafebiz.vn