|
|
Đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh: Colab. |
Thông qua việc đẩy mạnh ký kết các thỏa thuận hợp tác quốc tế về lao động với các quốc gia, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội dự báo, trong năm 2024 sẽ tăng thêm nhiều cơ hội việc làm tại nước ngoài cho lao động Việt Nam.
LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI TĂNG TRƯỞNG MẠNH MẼ
Tại hội nghị tổng kết ngành Lao động tháng 12 năm ngoái, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ước thực hiện cả năm 2023, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 155.000 người, đạt 129% so với kế hoạch năm, tăng 8,55% so với năm 2022.
Tuy nhiên, báo cáo thống kê đầy đủ mới đây cho thấy, đến hết năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm là 159.986 lao động, đạt 133,3% kế hoạch được giao (110.000 - 120.000 lao động).
Một số thị trường trọng điểm có số lao động sang làm việc tăng trưởng mạnh mẽ là Nhật Bản với hơn 80.000 lao động, Đài Loan (Trung Quốc) trên 58.000 lao động, Hàn Quốc hơn 11.000 lao động…
Là một trong những đơn vị thực hiện các chương trình phái cử lao động, ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng cho biết, năm vừa qua, thị trường lao động ngoài nước có những tín hiệu tích cực.
Nhu cầu tiếp nhận lao động, và nhu cầu của người lao động đều gia tăng, quan hệ hợp tác với các đối tác ngày càng được thúc đẩy, phát triển.
Trong năm 2023, đơn vị này đã phái cử được gần 11.500 lao động đi làm việc tại các thị trường, tăng 14% so với năm 2022, cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Trong đó, riêng thị trường Hàn Quốc đã đưa được 10.900 người theo chương trình EPS; phái cử được 530 thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo chương trình IM Japan; 26 người lao động xuất cảnh sang làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức theo Chương trình Hand in Hand for International Talents.
Đồng thời, đã triển khai hoàn thiện hồ sơ và tổ chức xuất cảnh cho 27 lao động đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) theo Chương trình tuyển mộ trực tiếp; phái cử 7 thực tập sinh đi làm việc tại các cơ sở chăm sóc y tế của Nhật Bản theo Chương trình hộ lý Osaka.
Đặc biệt, với việc ký kết Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc trong năm qua, đã làm cơ sở pháp lý quan trọng, để tiếp tục đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.
Đáng chú ý, việc đàm phán mở rộng ngành nghề, thị trường tiếp nhận lao động với các đối tác Hàn Quốc, Đức, Australia tiếp tục được thúc đẩy, để mở rộng thị trường cho những năm tới…
MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG, NGÀNH NGHỀ MỚI TIẾP NHẬN LAO ĐỘNG
Trên đà của năm 2023, trong năm 2024, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa khoảng 125.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
|
|
Giáo dục định hướng cho người lao động trước khi xuất cảnh. Ảnh: Nhật Dương. |
Để đạt được nhiệm vụ đề ra, Bộ này sẽ đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, chú trọng ổn định, duy trì các thị trường hiện có, phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam.
Công tác thông tin, tuyên truyền cũng sẽ được tăng cường, nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị nguồn lao động, thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi xuất cảnh.
Theo Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước Đặng Huy Hồng, trong năm 2024, việc triển khai tuyển chọn, tiếp nhận lao động theo hình thức phi lợi nhuận, chi phí thấp sẽ tiếp tục được quan tâm.
Đáng chú ý, nhu cầu về nguồn nhân lực nước ngoài của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức tiếp tục gia tăng.
Riêng thị trường Hàn Quốc năm nay có thể sẽ tiếp nhận lên đến 165.000 người. Đây là các yếu tố thuận lợi, tạo tiền đề cho việc triển khai thực hiện các chương trình phái cử lao động trong năm và các năm tiếp theo.
Trong bối cảnh đó, Trung tâm sẽ tập trung tổ chức tốt các kỳ thi tiếng Hàn và tay nghề, các kỳ tiếp nhận hồ sơ và tổ chức tuyển chọn các chương trình, hoàn thiện thủ tục và tổ chức cho người lao động xuất cảnh; gia tăng số lượng lao động có tay nghề.
Với các thị trường khác, dự kiến trình Bộ Bản ghi nhớ với Tổ chức IM Japan về việc phái cử và tiếp nhận lao động đặc định; thí điểm tuyển chọn lao động cho Chương trình Osaka theo hình thức đặt hàng đào tạo nghề với một số trường có ngành điều dưỡng, hộ sinh, y sĩ, song song với đào tạo tiếng Nhật…
Mặt khác, công tác quản lý, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng đối với người lao động đang làm việc tại nước ngoài cũng sẽ được tăng cường. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp tuyển dụng, phát triển mạng lưới người lao động về nước lập nghiệp thành công; mở rộng hoạt động hỗ trợ, giới thiệu việc làm hiệu quả…
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cũng đề nghị các đơn vị được giao nhiệm vụ phái cử lao động của Bộ trong năm nay tiếp tục thăm dò, và mở rộng thị trường lao động mới, ngành nghề tiếp nhận với công việc ổn định, thu nhập cao.
Đưa nhiều lao động đi làm việc ở các thị trường, gia tăng lao động có tay nghề, lao động ở vùng khó khăn, đối tượng chính sách xã hội.
Đặc biệt, cần thúc đẩy đàm phán để sớm ký kết các Thỏa thuận/Bản Ghi nhớ với một số quốc gia về hợp tác tiếp nhận lao động; tăng cường công tác bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động làm việc ở nước ngoài…
Theo vneconomy