Pink Taxi có tài xế là nữ và chỉ phục vụ nữ giới. Ảnh: CNN

Theo CNN, với phụ nữ Ai Cập, chuyện bị tán tỉnh hay trêu ghẹo bằng những lời lẽ khiếm nhã gần như xảy ra hàng ngày. Theo Liên Hợp Quốc, hơn 99% số nạn nhân bị quấy rối tình dục trên các phương tiện giao thông công cộng hoặc taxi.

Hãng Pink Taxi đã đối phó với thực trạng này bằng cách chỉ tuyển tài xế nữ và không nhận hành khách là nam giới. Các nữ tài xế mặc đồng phục màu hồng, có khả năng điều khiển xe trong tình trạng tắc đường nghiêm trọng ở Cairo và chỉ nhận khách hàng đặt trước.

Không gian an toàn

"Tôi nhận thấy rằng xã hội cần loại hình giao thông an toàn cho phụ nữ, và tôi bắt đầu nghĩ xem mình có thể mang lại cho họ được điều gì không", bà Reem Fawzy, người sáng lập hãng Pink Taxi, chia sẻ.

Tài xế của hãng bắt buộc phải có bằng đại học, biết nói tiếng Anh, và có ít nhất hai năm kinh nghiệm lái xe ở Cairo. Taxi của hãng được trang bị GPS, một camera, một nút SOS để có thể dừng xe và báo về trụ sở của hãng trong trường hợp khẩn cấp.

Fawzy cho hay một phần động cơ thúc đẩy bà thành lập dịch vụ taxi độc đáo này là mong muốn tạo cơ hội việc làm cho phụ nữ ở Cairo.

"Phụ nữ không dễ tìm việc, hầu hết các doanh nghiệp và khu vực tư nhân đều ưu tiên nam giới, và có rất nhiều công việc phụ nữ không thể làm", bà nói.

Bà Fawzy còn cho hay khi bắt đầu tuyển dụng tài xế, bà vấp phải sự phản đối dữ dội: "Nhiều người phản ứng vì họ không muốn con gái mình làm tài xế, hầu hết các lái xe chuyên nghiệp đều là nam giới".

Sau khi quảng cáo dịch vụ trên tivi và mạng xã hội, bà đã tuyển được 52 phụ nữ để đào tạo hai tháng về luật giao thông và bảo dưỡng xe.

Tài xế của hãng bắt buộc phải có bằng đại học, biết nói tiếng Anh và có ít nhất hai năm kinh nghiệm lái xe ở Cairo. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, các nhà hoạt động xã hội chỉ trích rằng việc bảo vệ phụ nữ ở nơi công cộng không phải là giải pháp cho tình trạng quấy rối tình dục ở Ai Cập.

"Tôi không nghĩ rằng việc phân biệt giới tính sẽ giải quyết được vấn đề. Chúng ta có hai toa tàu dành riêng cho phụ nữ ở mọi tuyến tàu điện ngầm, nhưng điều này thực ra chưa bao giờ giúp giải quyết tình trạng quấy rối tình dục vì khi xuống tàu, phụ nữ vẫn phải đi cùng tất cả mọi người", bà Dalia Abd El-Hameed, người đứng đầu chương trình về giới của Tổ chức Sáng kiến Ai Cập về Quyền Cá nhân, giải thích.

Bà Abd El-Hameed còn cho rằng Pink Taxi thu phí cao hơn các hãng taxi thông thường khác.

"Giá cả đắt hơn nhiều so với taxi truyền thống, vì vậy nó không dành cho số đông. Tạo ra phương tiện giao thông an toàn dành riêng cho những người có khả năng chi trả không phải là giải pháp", bà nói.

Tuy nhiên, chủ của Pink Taxi khẳng định giá của hãng là hợp lý vì nó hoạt động như một dịch vụ đưa đón, và xe luôn trống khi đón khách. Bà chỉ kinh doanh, còn khách hàng có quyền chọn sử dụng dịch vụ hay không,

"Nếu chúng tôi đưa ra luật phụ nữ bắt buộc phải đi taxi dành riêng cho nữ thì đúng là tệ thật, nhưng giờ chúng tôi chỉ cung cấp dịch vụ an toàn và riêng tư mà thôi", bà Fawzy nói.

Theo VnExpress