Điều chỉnh lương hưu cho lao động nữ nghỉ từ 1/1/2018 bị bất lợi
Cập nhật lúc 17:47, Thứ sáu, 15/06/2018 (GMT+7)
Tại phiên bế mạc sáng nay 15/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 5; trong đó giao Chính phủ quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2021 mà bị bất lợi hơn so với lao động nam.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
Tại phiên Bế mạc sáng nay, 15/6, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV. Trong đó, một số ý kiến đề nghị bổ sung nội dung giao Chính phủ thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2021 mà bị bất lợi hơn so với lao động nam do thay đổi cách tính lương hưu.
Tổng thư ký Quốc hội cho biết: Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề Xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cân nhắc và đề nghị các vị đại biểu Quốc hội bổ sung nội dung này vào dự thảo Nghị quyết tại khoản 4 Điều 2. Cụ thể: “Giao Chính phủ ban hành quy định thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2021 bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam do thay đổi cách tính lương hưu. Nguồn kinh phí thực hiện do quỹ bảo hiểm xã hội bảo đảm”.
Ảnh minh họa
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, đây là chính sách có tính chất đặc biệt, chỉ thực hiện trong một thời gian nhất định với nhóm đối tượng xác định nhằm bảo đảm quyền lợi của nhóm lao động nữ bị ảnh hưởng bất lợi do thay đổi cách tính lương hưu; đồng thời, thực hiện tốt hơn chính sách bình đẳng giới.
Vấn đề này đã được gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội và đã có 357/358 ý kiến nhất trí; có 1 ý kiến đề nghị rút kinh nghiệm về việc làm quá gấp, cần tuân thủ quy trình chung. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, “Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêm túc rút kinh nghiệm để chỉ đạo các cơ quan đề cao hơn trách nhiệm trong việc chuẩn bị nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Theo Phunuvietnam.vn