Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa tổ chức cuộc họp Ban Soạn thảo dự án xây dựng Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (sửa đổi). Dự kiến, dự thảo luật này sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tháng 4/2020 và dự kiến sẽ đưa ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 để thảo luận.

Theo ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước, hiện nay lực lượng lao đông trong nước dồi dào. Tuy nhiên, tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn khá phổ biến, khả năng tạo việc làm trong nước còn hạn chế. Vì vậy, hoạt động đưa người lao động ra nước ngoài làm việc là chủ trương quan trọng, lâu dài, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước.

Dự án xây dựng Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (sửa đổi) tập trung 6 nhóm nội dung chính, cụ thể như: Sửa đổi, bổ sung các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài trên cơ sở các hình thức đi làm việc ở nước ngoài của Luật hiện hành; Minh bạch hóa quy định và nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; Chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với thực tế thị trường, xu hướng quốc tế, đảm bảo trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động; Các quy định về hình thức tổ chức và mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; Quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Đặc biệt, quan điểm xây dựng, sửa đổi luật lần này nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Cùng với đó là đơn giản hóa thủ tục hành chính, công khai minh bạch về điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với hoạt động  dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

 

Đào tạo điều dưỡng viên nữ đi lao động tại Nhật Bản

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng: Luật phải nêu rõ được vấn đề nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Đây là một trong những giải pháp để tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực. Đồng thời, mở rộng quyền công dân trong việc lựa chọn địa bàn làm việc và mức thu nhập mong muốn và khắc phục được những khuyết điểm trong thời gian qua.

Đồng thời, Luật phải đảm bảo tạo sự vận động phù hợp với thị trường lao động, góp phần xây dựng thị trường lao động đồng bộ, lành mạnh và hiện đạị, phải đúng thông lệ quốc tế nhưng phải bám vào hiệp định hợp tác lao động (MOC) với từng nước. "Về thủ tục, phải rất đơn giản, cởi mở với người lao động, nhưng cũng phải chặt chẽ, công khai, minh bạch với doanh nghiệp”, ông Dung nhấn mạnh.

Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có khoảng 650.000 lao động làm việc ở nước ngoài tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng năm 2019, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt 152.530 lao động, trong đó thị trường Nhật Bản là 82,703 lao động, Đài Loan là 54,480 lao động, Hàn Quốc là 7.215 lao động…

Mục tiêu trong năm 2020 đưa được 130.000 lao động làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, CHLB Đức…