Tính tới nay, Hàn Quốc có khoảng 5.500 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 50 tỉ USD
Kỳ họp do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Thế Phương và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lee Tae-ho đồng chủ trì.
Mục tiêu của kỳ họp lần này là nhằm rà soát tình hình hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực từ kỳ họp lần thứ 14 tháng 7.2015 đến nay, đồng thời đề ra phương hướng hợp tác trong thời gian tới. Cụ thể, hai bên đã trao đổi về tình hình và giải pháp thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực: thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, lao động, môi trường, đất đai, năng lượng, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp phát triển nông thôn, tài chính - ngân hàng… và tham gia của hai nước trong các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế.
Về hợp tác phát triển, Việt Nam là đối tác hàng đầu được Hàn Quốc cung cấp ODA, gồm viện trợ không hoàn lại và vốn vay ưu đãi. Từ năm 1993 tới nay, Hàn Quốc đã cấp cho Việt Nam hơn 200 triệu USD viện trợ không hoàn lại, chủ yếu qua phương thức dự án truyền thống cho các lĩnh vực: cải cách hành chính; phát triển nguồn nhân lực; biến đổi khí hậu; xóa đói giảm nghèo; công nghệ thông tin; khoa học công nghệ; phát triển đô thị… Đối với vốn vay ưu đãi, tới nay Hàn Quốc đã cam kết cung cấp cho Việt Nam gần 3 tỉ USD, chủ yếu trong lĩnh vực giao thông, y tế, cấp thoát nước. Hai bên hiện đang đàm phán để ký kết Hiệp định tín dụng khung cho giai đoạn 2016-2020 với quy mô dự kiến khoảng 1,5 tỉ USD. Ngoài viện trợ theo kênh thông thường, hai bên còn đang triển khai thực hiện hợp tác tài chính với tổng quy mô vốn 12 tỉ USD từ các nguồn tín dụng khác nhau.
Về hợp tác đầu tư, Hàn Quốc đứng thứ nhất trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Tính tới nay, Hàn Quốc có khoảng 5.500 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 50 tỉ USD. Doanh nghiệp FDI Hàn Quốc là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, sử dụng khoảng 70 vạn lao động và đóng góp khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam. FDI của Hàn Quốc chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (84% tổng vốn đăng ký); chuyên môn R&D; xây dựng; kinh doanh bất động sản... Trong khi đó Việt Nam có 19 dự án đã đầu tư sang Hàn Quốc với tổng số vốn đầu tư là 14,4 triệu USD. Các dự án đều có quy mô nhỏ chủ yếu trên lĩnh vực dịch vụ, thương mại.
Về hợp tác thương mại, Hàn Quốc có vị trí quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Hai nước đã ký Hiệp định Thương mại Tự do song phương năm 2015 và đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 70 tỉ USD vào năm 2020. Năm 2015, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ) với tổng kim ngạch giữa hai nước đạt 36,6 tỉ USD trong đó xuất khẩu của Việt Nam là 8,9 tỉ USD (bằng 5,5% tổng xuất khẩu của Việt Nam) và nhập khẩu của Việt Nam là 27,6 tỉ USD (bằng 16,7% tổng nhập khẩu của Việt Nam). Những mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Hàn Quốc là hàng điện tử; điện thoại; vải; nguyên liệu; sắt thép; máy móc thiết bị... Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc chủ yếu là sản phẩm dệt may và sợi, thủy sản, dầu thô, phương tiện vận tải, gỗ và sản phẩm gỗ…
Về hợp tác lao động, đây là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng giúp hai nước giải quyết khó khăn của nhau. Hàn Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam. Tới nay, Việt Nam đã đưa sang Hàn Quốc khoảng 54.000 lao động.
Đánh giá cao nỗ lực làm việc của hai đoàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương khẳng định, các kết quả thảo luận tại Kỳ họp này sẽ được phía Việt Nam báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo, nhằm đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc, qua đó tạo thêm nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người dân hai nước.
Theo laodong.com.vn