Gián đoạn và khó quay trở lại

Quỹ Phụ nữ và Gia đình Seoul gần đây đã khảo sát 1.200 phụ nữ đang sống ở thủ đô Hàn Quốc, bị gián đoạn sự nghiệp trong độ tuổi từ 25-54. Mục tiêu nhằm tìm ra khoảng thời gian làm việc trung bình mà phụ nữ đạt được sau khi quay lại công việc và trước khi họ quyết định rời bỏ thị trường lao động một lần nữa. Hàn Quốc xác định phụ nữ bị gián đoạn sự nghiệp là những người phải tạm ngừng hoạt động kinh tế do kết hôn, mang thai, sinh con, chăm sóc thành viên gia đình... Nghiên cứu chỉ ra, sau khi tạm nghỉ, tỉ lệ phụ nữ trở lại làm những công việc “thường xuyên” trên thị trường lao động sẽ thấp hơn. 

leftcenterrightdel
 Phụ nữ phải gián đoạn công việc để sinh con cần có sự cảm thông, hỗ trợ để trở lại với thị trường lao động - ảnh minh họa: Getty Images

Tại quốc gia này, công việc “thường xuyên” là khái niệm chỉ một hệ thống đảm bảo việc làm cho đến tuổi nghỉ hưu hợp pháp cho người lao động, với điều kiện người đó không phạm tội nặng hoặc vi phạm nghiêm trọng chính sách của công ty. Trước khi bị gián đoạn sự nghiệp, 70% phụ nữ được khảo sát có công việc ” thường xuyên”. Nhưng sau khi sự nghiệp bị gián đoạn, tỉ lệ người có việc làm “thường xuyên” trở lại đã giảm xuống còn 51,7%.

Vào cuối năm 2023, một báo cáo khác của cơ quan Thống kê Hàn Quốc cho thấy, 25,2% phụ nữ sinh năm 1983 bị mất việc sau khi sinh con, hoàn toàn rời khỏi thị trường lao động. Chỉ 40,5% phụ nữ trong độ tuổi đó có thể làm việc cả trước và sau khi sinh con. Ngược lại, 92,9% nam giới cùng tuổi vẫn duy trì việc làm trước và sau khi có con.

Tại Mỹ, một cuộc khảo sát trên 1.000 bà mẹ vào giữa năm 2023 do Moms First thực hiện cho thấy phụ nữ có nhiều cảm nhận tiêu cực khác nhau lúc quay lại làm việc sau khi sinh con. 1/3 số bà mẹ cho biết từng cân nhắc việc rời bỏ lực lượng lao động hoàn toàn.

Cuộc khảo sát khuyến nghị các công ty cần xem việc đề cao quyền lợi nữ giới là một tiêu chí quan trọng. Nhiều phụ nữ cho biết họ bắt đầu cảm thấy lo lắng về công việc ngay sau khi biết mình đang mang thai. Nỗi lo không chỉ liên quan đến việc chăm sóc con cái sau đó mà cả về thời gian nghỉ thai sản, lúc quay trở lại làm việc, đặc biệt là khi con vẫn còn nhỏ. Reshma Saujani - người sáng lập và Giám đốc điều hành Moms First - cho biết: “Các nhà tuyển dụng vẫn chưa làm đủ để khắc phục nỗi bất an của các bà mẹ”.

Hỗ trợ phụ nữ tiếp tục sự nghiệp

Cũng trong cuộc khảo sát tại Mỹ, 3/4 số người mẹ cho biết, họ cảm thấy nơi làm việc có thể đưa ra những chính sách thân thiện hơn để hỗ trợ những nhân viên đang có con nhỏ. Đồng thời, các bà mẹ cũng cảm thấy được hỗ trợ phần nào nếu người quản lý thấu hiểu nhu cầu của họ. Những sáng kiến của doanh nghiệp như cho phép làm việc từ xa, chăm sóc trẻ tại chỗ và khoảng thời gian tái thích nghi sau khi quay lại làm việc cũng giúp các bà mẹ an tâm hơn.

Lauren Fabianski - người đứng đầu tổ chức vận động vì quyền phụ nữ Pregnant Then Screwed (Anh) - cho biết, nhiều phụ nữ thường xuyên liên hệ với tổ chức này phản ánh về việc công việc bị thay đổi bất ngờ khi họ trở lại làm việc sau thời gian nghỉ thai sản; một số nhà quản lý nhất quyết yêu cầu họ phải làm việc toàn thời gian tại văn phòng, không thể tranh thủ thời gian để vừa đảm bảo công việc vừa có thể chăm sóc con còn nhỏ. Cảm thấy bản thân không được chào đón khi quay lại, nhiều phụ nữ đã chọn bỏ việc. 

Tuy vậy, cũng có những trường hợp phụ nữ dễ dàng tiếp tục sự nghiệp sau khi tạm nghỉ. Stacy Keen tại Công ty luật Pinsent Masons ở Anh cảm thấy mọi việc diễn ra tốt đẹp hơn sau đại dịch. Cô ấn tượng vì sự khác biệt giữa 2 lần quay lại làm việc sau thai sản.

Con đầu lòng của Stacy hiện 7 tuổi và đứa con thứ hai vừa được 4 tuổi. Sau lần nghỉ thai sản đầu tiên, hợp đồng của cô chỉ cho phép mỗi tuần có 1 ngày làm việc ở nhà. Nhưng ở lần thứ hai, cô có thể dành nửa tuần làm việc ở văn phòng và nửa tuần còn lại làm việc ở nhà. Cô nhận xét: “Xu hướng hiện nay giúp công việc của phụ nữ trở nên linh hoạt hơn”. 

Theo phụ nữ TPHCM