Nan, người Myanmar, đến Nhật Bản vào tháng 11/2016 theo chương trình tu nghiệp sinh nghề,
 làm việc tại một công ty may ở tỉnh Aichi. 

Nan đặt chân đến nước Nhật vào cuối năm 2016 để làm việc tại một nhà máy may ở tỉnh Aichi, cách thủ đô Tokyo hơn 400 km về hướng tây nam. Đi theo Chương trình Tu nghiệp sinh Kỹ năng của chính phủ Nhật, cô gái 28 tuổi người Myanmar hy vọng có thể nâng cao tay nghề và kiếm tiền gửi về cho gia đình. Tuy nhiên, Nan nhanh chóng vỡ mộng, Japan Today đưa tin.

Tại công ty có tên là Sugiyama Hosei, công việc của Nan là sản xuất vỏ bọc ghế ngồi trong xe ôtô, không phải may quần áo như người môi giới ở Myanmar hứa hẹn trước khi cô sang Nhật. Nan làm việc ít nhất 8 giờ mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần trong 5 tháng. Trước khi doanh nghiệp này ngừng hoạt động, cô được nhận tổng cộng 339.000 yên (hơn 3.000 USD), tương đương khoảng 600 USD mỗi tháng, thấp hơn mức lương tối thiểu theo luật.

Nan là một trong số rất nhiều lao động nước ngoài trong những năm gần đây rơi vào bẫy bóc lột của các công ty Nhật Bản khi tham gia vào chương trình "tu nghiệp sinh".

"Ngay khi đến Nhật, tôi đã cảm thấy hối hận và bị lừa dối", Nan nói. Các "tu nghiệp sinh" không được phép thay đổi công việc hoặc nhà tuyển dụng ngay cả khi nhận thấy tình trạng làm việc không như những gì được hứa hẹn. Đây được coi là một trong những lý do khiến nhiều lao động nước ngoài như Nan không còn lựa chọn nào khác ngoài làm việc trong điều kiện khắc nghiệt.

Lực lượng lao động Nhật Bản trong độ tuổi từ 16 đến 64 đang giảm nhanh chóng, tuy nhiên, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định Nhật Bản sẽ không chấp nhận "chính sách nhập cư" để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động. Thay vào đó, nội các của ông Abe mở cửa cho lao động nước ngoài thông qua chương trình cấp thị thực tu nghiệp sinh.

Bóc lột lao động nước ngoài


Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết tính đến cuối năm 2016, có khoảng 229.000 lao động nước ngoài làm việc tại đất nước này dưới hình thức các thực tập sinh học nghề hoặc kỹ năng. Lao động Việt Nam chiếm số lượng đông nhất với 88.000 người, tiếp theo là Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan và Philippines.Trong khuôn khổ chương trình, các công ty hoặc tổ chức Nhật mời lao động nước ngoài sang Nhật làm việc với tư cách là thực tập sinh muốn nâng cao kỹ năng nghề. Nhưng nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng chương trình này để bóc lột người lao động. Theo thống kê, năm 2016, có đến 70,6% tổng số các doanh nghiệp thuê "tu nghiệp sinh" nước ngoài vi phạm luật lao động bao gồm bắt công nhân làm thêm quá số giờ quy định, không trang bị bảo hộ lao động hoặc trả lương rẻ mạt.

Theo luật sư Nobuya Takai, nhiều công ty may mặc ở tỉnh Gifu và Aichi đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lao động trầm trọng. "Người lao động Nhật Bản không làm những công việc đó vì mức lương quá thấp", ông Takai chỉ ra nguyên nhân.



Các chuyên gia khác cho rằng Nhật Bản nên ban hành loại thị thực làm việc phù hợp với lao động nước ngoài tay nghề thấp để thay thế cho thị thực "tu nghiệp sinh". Ông Oh Hak-soo, phó giám đốc nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chính sách và Đào tạo Lao động Nhật Bản, cho rằng chính phủ nước này nên học tập cách làm của Hàn Quốc.Bà Chieko Kamibayashi, giáo sư khoa học và xã hội tại đại học Hosei ở Tokyo, cho rằng các doanh nghiệp Nhật Bản và các tổ chức ở nước ngoài môi giới tu nghiệp sinh đang hưởng lợi vì hiện không có một cơ quan nào đủ mạnh để bảo vệ tu nghiệp sinh khi họ bị bóc lột. Trong khi đó, "bên môi giới chọn những người ít học vì họ thường không phân biệt được đúng sai nên không khiếu nại khi bị ngược đãi", bà nói.

Năm 2004, Hàn Quốc bắt đầu sử dụng hệ thống mới dành cho các công nhân nước ngoài thiếu tay nghề. Khác biệt lớn nhất của hệ thống này là chính phủ nước sở tại và nước xuất khẩu lao động trực tiếp quản lý người lao động. Điều này trái ngược với chương trình của Nhật Bản, trong đó các tổ chức tư nhân đóng vai trò trung gian và kiểm soát điều kiện làm việc của người lao động.

Theo VNExpress