Việt Nam đã đạt thỏa thuận đăng ký và cấp phép lao động cho Thái Lan trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tại Hà Nội trong ngày 27 - 28/11/2014. Tuy nhiên, phải tới tháng 3 vừa rồi, đoàn công tác của Bộ Lao động Thái Lan đã sang Việt Nam tiến hành đàm phán lần đầu tiên với Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) để thống nhất ký kết Thỏa thuận hợp tác lao động giữa hai nước. Việc Thái Lan hợp thức hóa lao động tự do có ý nghĩa rất lớn. Lao động Việt Nam sang Thái phải đi theo kênh này, không còn phải đi “chui” như trước đây. Và chắc chắn đi hợp pháp, lương của người lao động sẽ cao hơn.

Vì vậy, trong tương lai, những thỏa thuận cụ thể về việc xuất khẩu lao động Việt Nam sang Thái Lan sẽ giúp  người lao động Việt sẽ được bảo vệ quyền lợi chính đáng khi làm việc ở Thái Lan. Ngược lại, người lao động Việt  phải có trách nhiệm đóng các khoản lệ phí như thị thực, thẻ lao động, bảo hiểm y tế...

Hiện tại, hàng triệu lao động phổ thông của các nước ở khu vưc Đông Nam Á đang làm việc tại Thái Lan như  Myanmar, Lào và Campuchia, Việt Nam. Vì vậy,  để ngang bằng với mức phí thu của lao động của các nước này, Bộ Lao  động Thái Lan xem xét giảm lệ phí thị thực cho lao động Việt. Thêm vào đó, Thái Lan sẽ tiếp tục có nhu cầu nhập khẩu hàng chục ngàn lao động phổ thông từ bên ngoài do nước này vẫn thiếu hụt lao động phổ thông trầm trọng trong nhiều ngành nghề.

Trong khi đó, dòng di cư tự do sang Thái Lan vẫn khá phổ biến ở các tỉnh miền Trung. Theo số liệu của ngành LĐ-TB&XH, người Việt làm việc tại Thái Lan khoảng 100.000 người. Riêng tỉnh Hà Tĩnh là 10.000 người tập trung ở các huyện như: Can Lộc (3.000), Thạch Hà (2.500), Cẩm Xuyên (1.000)…Trước đó, có rất nhiều lao động ở các tỉnh miền Trung di cư theo con đường visa du lịch trong thời hạn 1 tháng.

Theo songmoi.vn