Cô Chen Shih-hua (Trần Thị Hoa, 50 tuổi) từ Việt Nam sang Đài Loan định cư hơn 10 năm trước sau khi kết hôn với một người đàn ông bản xứ. 5 tháng trước, cô mở một nhà hàng ăn gần chợ đêm Đài Bắc, chuyên phục vụ thực khách 3 món bún có nguồn gốc từ Việt Nam được gọi là he-fen theo tiếng Đài Loan. Sự nổi tiếng của các món bún giúp nhà hàng của cô cạnh tranh với một tiệm ăn Việt Nam khác cách đó 2 dãy nhà.

"Tại sao bà mở nhà hàng?".

"Vì tôi thích nấu ăn, tôi cũng đang rất bận rộn", cô Chen nói với báo SCMP trong khi đang phục vụ hàng chục thực khách trong tiệm ăn có 10 bàn của mình.

Lao động Việt Nam thúc đẩy nền kinh tế Đài Loan 2

Một nhà hàng Việt Nam tại Đài Loan

Trên các con đường thuộc những khu chung cư gần đó, người ta có thể bắt gặp những người di cư Việt Nam đang đẩy xe lăn và chăm sóc người già, trong khi hàng chục nghìn người khác làm việc trong các dây chuyền sản xuất của các nhà máy Đài Loan. Họ cũng xuất hiện trên các thuyền đánh cá và các công trường xây dựng.

Số lượng lao động Việt Nam tại Đài Loan đang ngày càng tăng và họ được cho là chấp nhận nhiều loại công việc hơn so với các nhóm di cư khác. Nhà lập pháp đảng cầm quyền Lo Mei-ling, bản thân là một người nhập cư từ Malaysia, cho biết: “Lao động nhập cư Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn nhất trong ngành công nghiệp. Cho dù đó là sản xuất hay xây dựng, người Việt Nam đều đóng góp cho tất cả”.

Không giống như những người di cư từ các quốc gia khác, phụ nữ Việt Nam thường kết hôn với đàn ông địa phương. Hôn nhân mang lại quyền công dân Đài Loan và khả năng tiếp cận nhiều cơ hội việc làm khác nhau, bao gồm quyền thành lập nhiều nhà hàng Việt Nam trên khắp Đài Loan, cũng như nhiều thẩm mỹ viện trên đảo. Su Chi-Yun - Phát ngôn viên Ủy ban Đầu tư - cho biết, những người Việt mở nhà hàng thường “hiểu rất rõ về Đài Loan”.

Theo Cơ quan Di trú Đài Loan, 70% trong số 240.000 lao động Việt Nam nhập cư chưa được nhập quốc tịch là công nhân làm việc trong lĩnh vực sản xuất, giúp việc nhà và công nhân công trường. Trước đó, vào năm 2016, chỉ 171.000 người Việt được ghi nhận sống tại Đài Loan và có khoảng 133.000 người làm việc tại các nhà máy.

Lao động Việt Nam thúc đẩy nền kinh tế Đài Loan 1

Lao động Việt Nam đang ngày đông hơn tại Đài Loan

Số liệu từ Ủy ban Đầu tư Đài Loan cũng cho thấy nhóm người có quốc tịch Việt Nam đã đầu tư khoảng 366.000 Đài tệ (11.460 USD) cho 25 doanh nghiệp trên hòn đảo này trong nửa đầu năm 2023, trong đó có 150.000 Đài tệ đầu tư cho lĩnh vực ăn uống, giải khát và 121.000 Đài tệ đầu tư trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ.

Số liệu trên chưa tính đến các khoản đầu tư của 170.000 người Việt là cư dân chính thức tại Đài Loan.

Ngược lại, Ralf Matthaes - Người sáng lập công ty tư vấn Infocus Mekong Research - cho biết, những người Việt Nam di cư làm việc ở nước ngoài, bao gồm cả ở Đài Loan, cũng đã trở thành “người đóng góp kinh tế lớn” cho quê hương với 19 tỷ USD kiều hối được gửi về Việt Nam vào năm ngoái.

Theo một cuộc khảo sát của Bộ Lao động Đài Loan mới đây, các nhà tuyển dụng sẽ cần thêm 52.000 công nhân vào tháng 10 tới để duy trì sự phục hồi sau đại dịch của nền kinh tế trị giá hơn 820 tỷ USD.

Vào tháng 9/2022, Đài Loan cho biết họ sẽ cố gắng thu hút 400.000 lao động nước ngoài chủ yếu là văn phòng trong thập kỷ tới để hỗ trợ các ngành công nghiệp trụ cột của hòn đảo, bao gồm cả công nghệ cao, khi tỷ lệ dân số trong nước ngày càng thu hẹp.

“Với sự bùng nổ của lĩnh vực sản xuất công nghệ cao trong những năm gần đây, nhu cầu về lao động cơ bản đã tăng mạnh và chúng tôi cần những người di cư để lấp đầy khoảng trống đó. Lao động Việt Nam nhập cư sẽ chiếm tỷ trọng rất lớn trong lĩnh vực này”, bà Lo Mei-ling nói.

Theo thoidai