leftcenterrightdel
Thực tập sinh Việt Nam bên trong nhà xưởng tại Nhật Bản .Ảnh: GIANG NAM 

Nhật Bản, Hàn Quốc là 2 trong 3 thị trường xuất khẩu lao động lớn, được nhiều người lao động (NLĐ) Việt Nam lựa chọn khi ra nước ngoài làm việc. Tuy nhiên, hàng trăm ngàn lao động Việt làm việc tại 2 quốc gia này đang phải đối diện với tình hình lạm phát kinh tế dẫn đến giá cả sinh hoạt tăng nhanh, đồng yen liên tục mất giá.

Áp lực trả nợ

Anh Từ Văn Dương (31 tuổi, quê Thanh Hóa) đang làm việc tại tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc), cho biết không riêng gì lao động Việt, lao động người nước ngoài trong khu vực anh sống đều tìm nhiều cách để chống chọi với giá cả hàng hóa, dịch vụ ngày một leo thang.

Với lao động Việt Nam, từ khi giá thực phẩm tăng 25%-30% thì tự nấu ăn. Vợ chồng anh Hồ Hưng và chị Đỗ Thị Hà ở tỉnh Gyeongsang Bắc (Hàn Quốc) cũng quen dần với những buổi sáng dậy sớm nấu ăn mang theo đến nơi làm để tiết kiệm chi phí. Làm việc trong ngành nông nghiệp nên vợ chồng chị Hà xin rau củ không đủ chuẩn đóng gói để về nấu ăn. 

"Rau củ quả là những thứ tăng giá nhiều nhất tại Hàn Quốc trong thời gian gần đây. Công việc làm nông nên tiết kiệm được khoản này nhưng các chi phí khác thì không thể. Vì vậy, vợ chồng tôi hạn chế chi tiêu, chỉ tập trung vào công việc để đủ tiền gửi về quê nhà" - anh Hưng nói.

Anh Nguyễn Hồng Quân (quê An Giang), đang là thực tập sinh (TTS) ngành cơ khí tại tỉnh Mie (Nhật Bản) năm thứ 3, cho biết thu nhập hằng tháng của anh được khoảng 220.000 yen (gần 35 triệu đồng). So với thời điểm năm 2022, mỗi tháng anh mất gần 8-10 triệu đồng nếu quy đổi tỉ giá sang tiền Việt. "Tôi sang Nhật Bản cuối năm 2021, giá 1 yen quy ra tiền Việt là hơn 200 đồng. Lương lúc đó thấp nhưng đổi ra lại nhiều hơn bây giờ. Từ khi đồng yen rớt giá, trung bình mỗi năm tôi bị mất 100-120 triệu đồng. Đó là khoản tiền không nhỏ đối với gia đình tôi" - anh Quân bày tỏ.

Anh Trần Minh Tân (quê Quảng Nam) cũng chịu cảnh tương tự khi chứng kiến đồng yen liên tục mất giá. Năm 2021, anh vay mượn người thân gần 200 triệu đồng làm chi phí sang Nhật Bản. Do áp lực phải gửi tiền về quê trả nợ nên anh phải tiết kiệm tối đa, anh nhận chuyển đồ cho người Việt trong những ngày nghỉ để có thêm thu nhập.

Tạo điều kiện cho lao động Việt

Trái ngược với nhiều người lo ngại về đồng yen rớt giá sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, nhiều lao động trẻ vẫn quyết tâm sang Nhật Bản làm việc vì nhiều lý do. Bùi Thị Ngọc Lan, TTS vừa đến Nhật Bản được 2 tháng, cho biết cơ hội học hỏi sự chuyên nghiệp của người Nhật, nâng cao ngoại ngữ, rèn luyện kỹ năng nghề mới là động lực của chị.

Trong khi đó, anh Vũ Đức Trung (28 tuổi, quê Long An) mong muốn đến Nhật Bản để tìm hiểu kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sạch, hiện đại để về quê hương khởi nghiệp. "Tôi đã từng làm việc với người Nhật tại một nhà máy ở Long An nên rất ngưỡng mộ cách làm việc chuyên nghiệp của họ. Họ động viên tôi nếu muốn vực dậy nền nông nghiệp ở quê nhà thì nên đến Nhật để học hỏi" - anh Trung bày tỏ.

Còn chị Đặng Hồng Việt (29 tuổi, quê Bắc Giang) là 1 trong 25 người được doanh nghiệp (DN) tại TP HCM đài thọ toàn bộ chi phí để sang Nhật Bản làm TTS ngành may mặc. Chị cho biết làm công nhân may gần 10 năm nhưng thu nhập cũng chỉ khoảng 9 triệu đồng/tháng. Đầu năm 2024 có công ty tuyển lao động đi Nhật nên chị ứng tuyển. Khi sang Nhật làm việc, thu nhập khoảng 31 triệu đồng/tháng và có hỗ trợ chỗ ở miễn phí.

Ông Ishii Chikahisa, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, cho biết số lượng NLĐ Việt Nam làm việc tại Nhật Bản chiếm khoảng 1/4 và đứng đầu tổng số lao động nước ngoài làm việc tại Nhật Bản. Hiện có khoảng 185.600 TTS, 97.500 lao động kỹ năng đặc định và 87.900 kỹ sư người Việt làm việc trong hầu hết các thành phần kinh tế của Nhật Bản.

Từ lâu, Chính phủ Nhật Bản đã xem NLĐ Việt Nam như một phần thiết yếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mặt trời mọc. Do vậy, Nhật Bản cam kết tiếp tục tạo điều kiện và cải thiện môi trường làm việc, sinh hoạt thoải mái hơn cho NLĐ Việt Nam. 

Tăng cường biện pháp hỗ trợ

Đồng yen mất giá mạnh so với đồng USD khiến NLĐ nước ngoài tại Nhật Bản trong đó có người Việt, rơi vào khó khăn. Tỉ giá đồng yen hôm 10-7 dao động quanh ngưỡng khoảng 161,45 yen đổi 1 USD, mức thấp nhất 38 năm qua. Do vậy, Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực triển khai các biện pháp hỗ trợ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của tình trạng này. Đồng thời, đề xuất hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Nhật Bản, bao gồm NLĐ, du học sinh và người định cư, cũng đang được thảo luận.

Bên cạnh đó, khuyến khích DN tăng lương cho NLĐ cũng là giải pháp trọng tâm được Chính phủ Nhật Bản đẩy mạnh. Song do tính chất chỉ là khuyến nghị, hiệu quả thực tế còn phụ thuộc vào nỗ lực của từng DN.

X.Mai

Theo nld