Nhóm người giúp việc đi bên ngoài một trung tâm thương mại ở Riyadh, Arab Saudi
Chị Đào, 46 tuổi, quê ở Hòa Bình, từng sang Arab Saudi làm giúp việc hơn 7 tháng trước khi trở về Việt Nam hồi tháng 4. Chị hiện sống trong một ngôi nhà bỏ hoang cùng con gái 7 tuổi.
"Tôi làm việc từ 5h sáng đến 1h sáng hôm sau và chỉ được phép ăn một lần vào 13h", chị kể về những ngày tháng cơ cực ở thành phố cảng Yanbu. "Ngày nào cũng thế, một lát thịt cừu và một đĩa cơm. Sau gần hai tháng, tôi như hóa điên".
Theo số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam, hiện có 20.000 lao động Việt đang làm việc tại Arab Saudi, với gần 7.000 người giúp việc cho các gia đình.
Arab Saudi là một trong những nước nhập khẩu người giúp việc lớn nhất thế giới. Năm 2014, Arab Saudi và Việt Nam đã ký thỏa thuận lao động 5 năm, mở đường cho nhiều công dân Việt sang làm việc tại quốc gia vùng Vịnh. Số lao động Việt Nam tương đối nhỏ so với Philippines, Indonesia và Sri Lanka nhưng nhiều người cho hay họ bị các gia đình Arab Saudi ngược đãi, với điều kiện sống và làm việc không khác gì nô lệ.
"Chúng tôi không dám đòi hỏi nhiều, chỉ cần không bị bỏ đói, không bị đánh đập và được ăn ba bữa một ngày. Nếu được như thế, chúng tôi sẽ không cầu cứu", chị Đào nói.
Trịnh Thị Linh, ở tỉnh Hà Nam, đang giúp việc cho một gia đình ở Riyadh. Trước đó, cô gái 30 tuổi chưa bao giờ rời khỏi Việt Nam và không biết gì nhiều về Arab Saudi.
Khi đến quốc gia này, Linh gặp nhiều phụ nữ Việt khác, trẻ nhất 28 tuổi, già nhất 47 tuổi. Hầu hết họ xuất thân là nông dân ở các vùng nông thôn nghèo, một số người là dân tộc thiểu số.
Linh cho hay mình được hứa hẹn mức lương 388 USD một tháng mà không cần trả thêm khoản phí nào. Tuy nhiên, ngay khi đến sân bay Riyadh, cô bị nhốt vào một căn phòng cùng hơn 100 người khác, bị nhân viên tuyển dụng lao động Arab Saudi tịch thu hộ chiếu và hợp đồng lao động.
Linh phải làm việc 18 tiếng liền và chỉ được ăn mỗi ngày một bữa. Khi định chuyển tới một gia đình khác, cô bị công ty môi giới việc làm đe dọa. "Chủ nhà nói ông ta đã trả khoảng 6.100 USD để đưa tôi về đây vì thế ông ấy muốn tôi ở lại nhưng tôi không thể sống nổi ở đó", Linh kể.
Linh đã tuyệt thực 3 ngày và cuối cùng được gia chủ trả lại cho công ty tuyển dụng của Arab Saudi. Tuy nhiên, gia đình thứ hai mà cô làm việc còn tồi tệ hơn. Cô bị một phụ nữ trong nhà tịch thu điện thoại, hành lý, ném thức ăn thừa.
"Sau ba tháng, tôi sụt từ 74 kg xuống 53 kg. Tôi tuyệt vọng, hoảng loạn, thường xuyên mất ngủ và điều duy nhất tôi có thể làm là khóc", cô kể.
Các lao động Việt Nam thường được một công ty môi giới trong nước tuyển dụng và chuẩn bị về ngôn ngữ lẫn nghiệp vụ trước khi cung cấp cho các công ty tuyển dụng của Arab Saudi.
Các lao động từ nước ngoài đến Arab Saudi theo diện bảo trợ nên không được phép thay đổi công việc hay rời khỏi nước này mà không được người bảo trợ chấp thuận. Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Kuwait, Qatar và Lebanon cũng quy định thị thực của người lao động do các nhà tuyển dụng quản lý, khiến họ bị phụ thuộc vào các gia chủ.
Ở những nước này, lao động bỏ trốn sẽ bị xử phạt và trục xuất. Nếu không chứng minh được mình bị lạm dụng, họ phải chuẩn bị một khoản tiền lớn để đền bù hợp đồng và mua vé máy bay về Việt Nam. Chi phí mà họ phải gánh khi bỏ việc dao động từ 2.500 đến 3.500 USD.
Ông Bùi Văn Sang, ở Tây Ninh, kể rằng vợ ông là bà Tuyết cũng đang bị đánh đập và bỏ đói ở Riyadh. Công ty môi giới Việt Nam yêu cầu ông chi gần 2.200 USD để đưa bà về nước nhưng sau đó lại đòi gấp đôi. Ông đã ra Hà Nội gặp công ty môi giới để xin họ giúp đỡ nhưng bị từ chối.
Bộ Lao động Arab Saudi không phản hồi khi được liên lạc. Đại sứ quán Arab Saudi tại Hà Nội cho biết không thể bình luận.
Những năm qua, giới chức Arab Saudi đã đề xuất chỉnh sửa luật lao động nhưng các nhóm nhân quyền cho hay không hiệu quả.
Linh cho biết cô đã liên lạc với công ty môi giới lao động ở Việt Nam nhưng được trả lời rằng hợp đồng của cô chỉ có giá trị ở Việt Nam. "Bây giờ tôi chỉ muốn rời khỏi đây. Nếu tôi đến cảnh sát trình báo, ít nhất họ sẽ đưa tôi đến trại giam, tôi sẽ bị trục xuất và được phép rời khỏi đây", cô nói.
Linh gần đây đăng tải video trực tuyến kể lại việc cô và nhiều người giúp việc Việt Nam khác bị ngược đãi ở Arab Saudi và thu hút hơn 100.000 lượt xem. "Nhiều phụ nữ tôi biết ở đây cũng muốn như thế, họ chỉ muốn ra đi. Nhưng họ lo sợ, bị đe dọa và không dám lên tiếng", Linh nói.
Theo VNExpress