Một góc chợ đêm tại Penang Malaysia.
Nhưng liệu sự gia tăng có đủ?
Trong năm 2013, khi tỉ lệ thu nhập từ lao động điều chỉnh của Malaysia là 42%, ở Hàn Quốc là 58% và Singapore là 44%. Vấn đề đặt ra là tiền lương không tăng đủ nhanh so với mức độ tăng trưởng kinh tế. Điều này có thể được đo bằng tỉ lệ bồi thường cho nhân viên (CE). Hiện tại, tỉ lệ CE/GDP là khoảng 33%. Chính phủ có mục tiêu tăng lên 40% vào năm 2020.
Một so sánh nhanh cho thấy rằng Malaysia không có thứ hạng tốt về khía cạnh này. Trong cùng khoảng thời gian tham khảo, tỉ lệ CE so với GDP của Hàn Quốc cao hơn, ở mức 43%, ở Nam Phi là 46%.
Các nước phát triển có tỉ lệ CE nằm trong khoảng 50%. Tỉ lệ của Australia là 48% và cao hơn ở các nước như Na Uy (52%) và Thụy Điển (54%).
Lời khuyên của các chuyên gia kinh tế là Malaysia nên hướng mục đích tăng tỉ lệ phần trăm CE đến khoảng 50%. Nhưng việc hoạch định chính sách như vậy khó có thể theo đuổi được, chỉ đơn giản là vì nó sẽ làm mất khả năng cạnh tranh về chi phí lao động.
Một số liệu thống kê thứ ba mô tả về thị trường lao động là việc làm cho thanh niên. Lớp trẻ ở Malaysia chiếm khoảng 30% lực lượng lao động, nhưng thanh niên chiếm hơn một nửa tổng số lao động thất nghiệp.
Vào năm 2015, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên đã tăng lên 3,1%. Tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên trẻ em sau giáo dục đại học là 15%. Con số này khiến chính các nhà phân tích nhân sự Malaysia cũng phải lúng túng, khó thể xác định là cao hay thấp, bởi thực tế nó phụ thuộc vào người sử dụng lao động, cũng như góc đánh giá về tỉ lệ thanh niên thất nghiệp ở Malaysia. Người ta có thể thay đổi cơ sở so sánh tùy thuộc vào cách muốn trình bày câu chuyện: có thể so sánh với các quốc gia đang tồi tệ hơn hoặc so sánh với những nơi đang gặt hái thành công.
Tỉ lệ thất nghiệp ở bậc giáo dục đại học là 18% đối với Việt Nam, 20% đối với Philippines và 24,5% đối với Indonesia.
Mặt khác, việc tuyển dụng sau đại học không phải là vấn đề ở các nền kinh tế tiên tiến. Tại Australia, 5,9% sinh viên tốt nghiệp đang thất nghiệp. Con số này là 4,7% đối với Nhật Bản và 4,4% đối với Đức.
Vậy thì điều gì hình thành nên con đường khi tiến hành cải cách thị trường lao động?
Chính phủ Malaysia bị cho là đang kẹt giữa sự cám dỗ duy trì tình trạng một quốc gia có chi phí lao động thấp, với việc buộc phải nâng lên trở thành một trung tâm sản xuất kỹ năng cao và có tri thức. Malaysia hiện đang duy trì mức lương tối thiểu tương đối thấp, kèm theo việc thực thi các quy định về lao động nhập cư. Dòng chảy của lao động nhập cư có tay nghề thấp vẫn được chấp nhận. Tuy nhiên, tình trạng thanh niên tốt nghiệp đại học và thất nghiệp ở mức độ cao có thể chưa phải là vấn đề gây bức xúc ở Malaysia, so với các nước khác trong khối ASEAN. Nhưng, so với các nước tiên tiến, Malaysia tụt lại khá xa các tiêu chuẩn họ đặt ra.
Tỉ lệ thất nghiệp sau đại học có thể tăng vì một số lý do, trong đó có tình trạng các ngành công nghiệp không tạo ra được những đầu việc có tính hấp dẫn, cũng như năng lực thu hút sinh viên tốt nghiệp tại địa phương. Câu trả lời nằm ở các công ty và hồ sơ của sinh viên tốt nghiệp không có việc làm. Câu hỏi về năng suất lao động tiếp tục tăng lên. Người ta thường gợi ý rằng tiền lương không tăng ở Malaysia vì mức năng suất không tăng lên tương xứng. Điều này có thể không hoàn toàn chính xác.
Nghiên cứu của World Bank năm 2012 cho thấy, tiền lương thực tế ở Malaysia tăng trưởng chậm hơn so với tăng năng suất lao động thực sự, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất. Trong lĩnh vực sản xuất, tiền lương tăng 2,4% hằng năm trong thập niên qua, trong khi năng suất lao động tăng 5% so với cùng kỳ.
Cả IMF và Ngân hàng thế giới đều đưa ra những dự báo đáng khích lệ về triển vọng kinh tế của Malaysia, cho biết đà tăng trưởng GDP sẽ được duy trì trong năm 2018 nhờ vào sự hồi phục kinh tế thế giới, hiệu quả xuất khẩu mạnh mẽ và mở rộng nhu cầu trong nước từ khu vực tư nhân và công cộng.
Theo nghiên cứu của AmBank, thị trường lao động Malaysia được trông đợi sẽ vẫn giữ được sự ổn định tích cực, với tỉ lệ việc làm đang được duy trì ở quỹ đạo ổn định. Tất cả là nhờ vào tổng sản phẩm quốc nội cả năm (GDP) của quốc gia này có thể đạt mức trung bình 5,9%.
Lượng công việc tạo ra trong tháng 10 tiếp tục duy trì vị trí 37.400, so với tháng trước là 30.900. Điều này dẫn đến tổng việc làm, được tạo ra từ đầu năm 2017, đạt con số trên 305.000 - phản ánh một nền kinh tế đang phát triển, AmBank Research ghi nhận. “Chúng tôi cho rằng tăng trưởng GDP sẽ đạt tốc độ vừa phải và xuống đáy vào quý I năm 2019” - AmBank cho biết.
Theo đánh giá và dự đoán của World Bank, Malaysia có thể sớm đạt tình trạng quốc gia có thu nhập cao vào đầu 2020. Điều này có thể dẫn đến những nỗ lực mạnh mẽ hơn trong việc khuyến khích đổi mới, đầu tư vào những kỹ năng mới và tận dụng tiềm năng của nền kinh tế kỹ thuật số. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo Malaysia sẽ phải cải cách mạnh mẽ hơn thị trường lao động hiện tại, theo hướng thu hút những kỹ sư, chuyên gia chuyên môn, tay nghề cao... đồng nghĩa với nhu cầu về lực lượng lao động có thu nhập thấp sẽ giảm đi và tạo ra quá trình cơ cấu lại thị trường lao động trong thời gian tới.
Việc cơ cấu lại này diễn ra nhanh hay chậm sẽ quyết định tốc độ hoàn thành mục tiêu đạt tình trạng quốc gia có thu nhập cao, như dự đoán.
Theo Lao động