Ảnh minh họa

Sáng 18/7, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức Diễn đàn đa phương thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập. Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, những năm qua, hệ thống pháp luật, chính sách của Việt Nam về thúc đẩy bình đẳng giới không ngừng được xây dựng, sửa đổi, bổ sung theo hướng tiến bộ. Bên cạnh đó, các chính sách về giảm nghèo, hỗ trợ khởi nghiệp, tạo việc làm, hỗ trợ người lao động… đều có những ưu tiên dành cho phụ nữ.
 
Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua. Tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động đạt khá cao – trên 70%; phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 31,6%... Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hà, Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức về bình đẳng giới: Phụ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo còn thấp; trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp hơn nam giới; thu nhập thấp hơn nam giới khoảng 10%; phụ nữ dễ bị rủi ro, tổn thương khi doanh nghiệp cắt giảm lao động…

Theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, kỷ nguyên số, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự ứng dụng nhanh chóng, rộng rãi các tiến bộ công nghệ sẽ tác động to lớn đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội, sẽ tạo ra cơ hội cho cả nam và nữ tham gia vào thị trường lao động, thúc đẩy bình đẳng giới thực chất.
 
TS Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, cho rằng: Trong kỷ nguyên số, các nguyên tắc về tổ chức nơi làm việc, khái niệm việc làm toàn thời gian sẽ thay đổi; thậm chí bản chất nghề nghiệp cũng có sự thay đổi, bị tác động.
 
Kết quả nghiên cứu tại Việt Nam, trong 10 năm tới, 70% số việc làm có rủi ro cao, có thể bị thay thế bằng các máy móc, tự động hóa. Trong đó, rủi ro cao nhất thuộc các nhóm ngành nông, lâm và thủy sản (với 83,3% số việc làm có độ rủi ro cao); có tới 74,4% số việc làm thuộc ngành công nghiệp chế biến và có tới 84,1% số việc làm ngành bán lẻ có độ rủi ro cao. Đặc biệt, trong số đó ngành dệt may và da giày có rất đông lao động nữ làm việc sẽ chịu tác động mạnh; người lao động có nguy cơ bị máy móc, thiết bị tự động hóa thay thế. Cụ thể hơn là các nghề có độ rủi ro cao như: Trồng trọt với khoảng 13,7 triệu việc làm; chăn nuôi với gần 3,2 triệu việc làm; bán hàng và phụ bán hàng với 6,1 triệu việc làm; thợ may với 770 ngàn việc làm… có thể bị máy móc, hệ thống tự động hóa thay thế, khiên người lao động bị mất việc làm.
 
Theo ông Đào Quang Vinh, lao động nữ, lao động có trình độ thấp và lao động làm những nghề có tiền lương thấp sẽ chịu tác động nặng nề nhất. Lao động có trình độ càng thấp, làm những việc giản đơn thì nguy cơ bị máy móc thay thế càng lớn.
 
Kỷ nguyên số đặt ra những vấn đề cho bình đẳng giới, ông Đào Quang Vinh khẳng định: Lao động nam và nữ chỉ có thể tận dụng được các cơ hội của kỷ nguyên số và hội nhập khi họ được trang bị vốn nhân lực tốt, được tiếp cận các cơ hội việc làm và kinh doanh bình đẳng, được hỗ trợ từ chính sách công một cách công bằng và hiệu quả.

Đồng thời người lao động cần phải có kỹ năng và khả năng thích ứng với môi trường làm việc linh hoạt. Để có những kỹ năng mới mà tự động hóa không thể dễ dàng thay thế, người lao động rất cần sự trợ giúp từ doanh nghiệp cũng như nhà hoạch định chính sách để họ tiếp cận dần và thích ứng với môi trường làm việc đang thay đổi.

Theo Báo cáo phát triển con người năm 2016, chỉ số bất bình đẳng giới (GII) của Việt Nam là 0,337 xếp thứ 71 trên tổng số 188 quốc gia. Chỉ số khoảng cách giới (GGI) là 0,700 xếp thứ 65 trên tổng số 183 quốc gia. Chỉ số phát triển giới (GDI) là 1,010 thuộc 1 trong 5 quốc gia (188 quốc gia) xếp hạng về bình đẳng giới trong giá trị chỉ số phát triển con người. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhânh nhất trong 20 năm qua.

 

 PVH