|
|
Chị Hà Thị Pẹn (hàng đầu) với đồng nghiệp ở Đài Loan. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Trong căn nhà nhỏ ở bản Mờng, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, sát biên giới Việt - Lào, anh Lò Văn Liệu tất bật chuẩn bị đưa con 4 tuổi đến lớp. Công việc tưởng chừng đơn giản lại trở nên khó nhọc khi anh Liệu bị tàn tật bẩm sinh.
Quyết tâm thoát nghèo
Hơn 2 năm nay, kể từ ngày chị Hà Thị Pẹn (SN 1987, vợ anh Liệu) đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Đài Loan, mọi công việc trong gia đình đều một tay anh gánh vác. Là người tàn tật, anh không có khả năng lao động, điều này gần như gắn với định kiến đời anh sẽ khó thoát nghèo.
Anh Liệu nói về cuộc sống đầy khó nhọc trước đây: "Nhiều đêm vợ tôi khóc vì không biết phải làm gì để có tiền lo học cho con, thuốc men cho chồng… Đứa con đầu Lò Thị Quỳnh (SN 2007) học đến lớp 11 rồi cũng bỏ ngang để đi làm thuê. Vợ tôi buồn khóc miết, tôi chỉ biết thở dài bất lực".
Trong những lúc tưởng chừng như mọi cánh cửa dẫn tới tương lai tốt đẹp hơn đều khép lại thì hy vọng lóe lên, khi có cán bộ tín dụng chính sách về tư vấn các chương trình cho vay ưu đãi đi XKLĐ. Anh Liệu khi ấy chỉ nghĩ làm chẳng đủ ăn, vay vốn ngân hàng rồi lấy gì để trả. Trái ngược với chồng, chị Pẹn lại nghĩ, đã có nhiều trường hợp đi XKLĐ trở về thoát được cái nghèo, làm được nhà mới. Tại sao mình lại không đi? Lúc ấy chưa có người phụ nữ nào dám vượt núi rời bản, đặc biệt là những phụ nữ đã có gia đình, chồng con.
Anh Liệu lo lắng: "Tôi tàn tật, làm sao lo được cho con, cho gia đình nếu mình đi xa". Người thân hai bên nội ngoại thì lời ra, tiếng vào: "Bản Mờng làm gì có người vợ nào bỏ chồng, bỏ con để đi xứ người đâu. Đi rồi có về được không!?".
Biết con gái quyết tâm đi XKLĐ, bà Hà Thị È xuống tận nhà con để can ngăn: "Cả bản Mờng này, phụ nữ lấy chồng thì theo chồng, lo cho chồng con, không ai bỏ bản mà đi. Bố mày mất rồi, mày thương lấy mẹ già, đừng để bản làng đàm tiếu".
Những ngày đầu người dân bản Mờng biết tin chị Pẹn quyết tâm đi XKLĐ, bà con lối xóm từ động viên, khuyên bảo đến cho rằng chị Pẹn không an phận thủ thường. Anh Liệu thì không bận tâm những đàm tiếu ấy, chỉ lo chị Pẹn một thân một mình bên xứ người, ốm đau biết trông cậy ai!
Hai vợ chồng sau khi được hướng dẫn các thủ tục thì mạnh dạn vay 55 triệu đồng từ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Mường Lát để đi XKLĐ.
Tương lai tươi sáng hơn
Rảo một vòng quan sát quanh căn nhà nhỏ, tôi thắc mắc về những vật liệu như cát, đá, xi măng… đang được xếp thành từng đống. Anh Liệu nói chuẩn bị xây nhà mới.
Anh Liệu cho biết thường xuyên gọi Zalo cho vợ để mấy mẹ con được thấy nhau, nói chuyện. Khoảng cách dẫu xa về địa lý cũng vơi bớt phần nào nỗi nhớ. Hai vợ chồng cũng thống nhất trả hết nợ ngân hàng rồi, số tiền tích cóp cuối năm nay dựng lại cái nhà mới cho tươm tất". Nhìn vào bức ảnh cưới của hai vợ chồng, anh Liệu nói: "Mới hôm nào cả bản ngăn cản, vợ chồng thì loay hoay tiền nong khi vay không ai cho vay, phải bán đi cả của hồi môn để lo thủ tục. Thấm thoát đã gần 3 năm!…".
Ngày đầu, chị Pẹn thường xuyên gọi điện, kể về những khó khăn nơi xứ người. Từ bất đồng ngôn ngữ, văn hóa cho tới công việc mệt nhọc, cả ngày chỉ ngồi một chỗ, làm một việc (chị Pẹn làm cho một công ty thực phẩm ở Đài Loan) không thoải mái cái đầu như lên nương rẫy, đói thì ăn, mệt thì nghỉ…
Chị kể có lần chị bị một đồng nghiệp bắt nạt, đổ lỗi oan trong công việc, Pẹn khóc miết cả đêm. Anh Liệu nói cái bụng mình tốt mình cứ đối xử tốt với họ, rồi họ cũng sẽ hiểu. Giờ thì hai người trở thành bạn tốt của nhau. Anh Liệu nói, vui nhất chính là lúc vợ nhận tháng lương đầu tiên. Về đến ký túc xá, chị Pẹn liền gọi cho anh khoe: "Em nhận lương rồi! Có lương, người hết cả mệt nhọc. Em chỉ giữ một chút để chi tiêu còn lại gửi về cho anh để dành, lo cho con ăn học".
Nhìn vào đôi chân không lành lặn, một bên teo tóp của anh Liệu, tôi không khỏi thắc mắc: "Không có chị Pẹn, làm sao anh lo được hết công việc, từ cho con ăn học; làm đồng ruộng?". Anh Liệu trả lời: "Khó mấy nếu nỗ lực thì cũng làm được. Ban đầu chưa quen, làm nhiều rồi cũng sẽ quen. Các việc trong gia đình, lo cơm nước, lo cho con cái học tập mình làm được. Còn đồng ruộng thì nhà có hơn 1 sào, bà con trong bản, ông bà nội hỗ trợ".
Chỉ tay về bức ảnh của đứa con gái lớn, anh Liệu nói: "Cháu nói làm thêm thời gian nữa cũng sẽ học tiếng để đi XKLĐ".
Tư duy tiến bộ
Rời gia đình anh Liệu, bản Mờng trước mắt tôi đang cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ. Bên cạnh những ngôi nhà mới khang trang, nhiều hộ đang hối hả xây dựng để có nhà mới trước Tết. Ông Hà Văn Nghiền, Trưởng bản Mờng, nói: Những nhà xây to đẹp trong bản là những gia đình có con em đi XKLĐ, nhờ đó thoát được nghèo.
Theo ông Nghiền, chị Hà Thị Pẹn là người phụ nữ đầu tiên có gia đình của bản đi XKLĐ, có tiền gửi về. Giờ ở bản Mờng đã có nhiều phụ nữ mạnh dạn vay vốn, học tiếng đi XKLĐ, như các chị Hà Thị Yên, Hà Thị Nguyệt (đi Nhật Bản); Vi Thị Thiệp (đi Đài Loan)...
Ông Vi Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu, khẳng định: "Chị Pẹn là phụ nữ đặc biệt của xã vùng biên. Không chỉ bởi sự chịu thương chịu khó mà còn ở tư duy tiến bộ. Chị đã mạnh mẽ vượt qua định kiến giới, vượt qua núi, ra thế giới bên ngoài, truyền cảm hứng cho chị em trong bản ngày càng thể hiện vai trò trong gia đình, xã hội".
|
Theo nld