leftcenterrightdel
Chị Vũ Thị Thanh (bìa trái) trong buổi lễ tốt nghiệp học tiếng Đài Loan (Ảnh do nhân vật cung cấp) 

Hơn 10 năm trước, chị Vũ Thị Thanh (nay 44 tuổi, quê Bắc Giang) đã lên đường đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Đài Loan (Trung Quốc).

Tích lũy kinh nghiệm, kiến thức

Chị Thanh và tôi có họ hàng bên ngoại (chị là con chị gái mẹ tôi). Sẵn nghề may và chịu khó học hỏi, chị đã trúng tuyển và sang Đài Loan để tiếp tục công việc may tại một công ty. Chị kể: "Năm 2014, làm hồ sơ, thi tuyển và kinh phí XKLĐ khó hơn hiện nay, nhưng cuối năm chị cũng vượt qua".

Thời gian đầu, chị nói rất áp lực, bởi thường xuyên phải tăng ca, về muộn, hôm thì quên cả ăn uống để làm cho kịp tiến độ. Công ty may mặc của chị ở TP Tân Bắc có đơn hàng đa dạng từ áo khoác, sơ mi cho đến áo truyền thống sườn xám của người bản xứ nên có khi làm việc cả thứ bảy và chủ nhật, ít có thời gian rảnh. Hai chị em cũng chỉ nhắn tin với nhau lúc chị được nghỉ giữa giờ. Nghe chị kể tôi thương chị vô cùng, chỉ biết gửi lời động viên, an ủi chị nơi xa.

Qua 3 năm đầu, chị Thanh cũng quen dần với những áp lực công việc, nhịp sống tại TP Tân Bắc. Trò chuyện bằng video, tôi thấy chị gầy nhiều vì thức đêm để hoàn thành công việc. Nhưng chị cho biết công việc có tiến triển tốt khi được cất nhắc lên vị trí trưởng nhóm. Biết được điều này, tôi rất mừng và tin chị sẽ được tín nhiệm hơn nữa ở bên đó, bởi khi còn ở quê nhà chị vốn hoạt bát, nhanh nhẹn.

Và một điều rất ý nghĩa, tốt đẹp đã đến với chị khi gặp được người bạn đời mới - anh người gốc Đài Loan. Trước khi XKLĐ, chị tôi đã "lỡ một lần đò" với người cùng quê. Cơ duyên gặp gỡ, lương duyên tác thành, chị lại có được ý trung nhân cùng tiếp bước với chị trên những bước đường đời phía trước.

Từ khi có bạn đời, nhất là sau khi chị chuyển nơi làm việc từ TP Tân Bắc sang TP Cao Hùng (Đài Loan), chị quyết định đi học tiếng địa phương để hiểu hơn về văn hóa nơi đây, cũng như trang bị thêm kiến thức cho bản thân.

Tạo việc làm, lan tỏa văn hóa Việt

Tết năm 2019, chị và anh Bối Sơn (tên chồng chị) về Bắc Giang thăm quê, tôi cũng lên chơi. Anh nói: "Chị em học nói và viết tiếng Đài để chuẩn bị mở quán phở Việt Nam ở Cao Hùng gần nhà".

Quán phở của chị tôi đi vào hoạt động đến nay đã hơn 4 năm. Tuy vừa đi làm vừa làm bà chủ nhưng chị Thanh cho hay quán rất đông khách, nên phải cần hơn 10 người làm ở các khâu. "Nhân viên của quán hầu hết là người Việt cần việc làm thêm. Ngoài có thêm thu nhập, người Việt làm tại quán còn được trao đổi ngôn ngữ, tập quán, văn hóa... của người bản xứ và thực khách quốc tế. Qua đó, họ sẽ vững vàng và hòa nhập cuộc sống nơi đất khách nhanh hơn" - chị Thanh nói.

Qua những hình ảnh chị chia sẻ, trong mỗi dịp đặc biệt tại Đài Loan như lễ tốt nghiệp, du xuân, mừng ngày lên vị trí quản lý, chị tôi đều trong tà áo dài Việt Nam, bên cạnh những bóng hồng sườn xám nơi đó. Do thành thạo ngôn ngữ Đài Loan, nên chị thường kể chuyện cho bạn bè người Đài Loan, Anh, Pháp, Mỹ... đang sinh sống làm việc bên đó về văn hóa Việt Nam. Ông chủ nơi làm việc cũng rất thích những câu chuyện mà chị chia sẻ ở cơ quan.

Nhờ XKLĐ, chị Thanh đã thay đổi cuộc đời. Không những thế, chị còn tích cực lan tỏa văn hóa Việt Nam nơi xứ người. Tôi cũng mong mỏi có dịp được sang thăm anh chị, để cảm nhận cuộc sống, văn hóa nơi đó và nhất là được thử món phở của chị ở Cao Hùng.

Chúc chị và gia đình luôn dồi dào sức khỏe, luôn hết mình lan tỏa văn hóa của Việt Nam, tiếp tục giúp cho nhiều đồng hương và viết tiếp những câu chuyện mới. 

Theo nld