|
|
Lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản |
6 tháng, đưa hơn 72 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài
Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 6/2023 là 12.649 lao động (4.508 lao động nữ), xấp xỉ 0,82 lần so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 6/2022 là 15.349 lao động, trong đó có 5.607 lao động nữ), gồm các thị trường: Nhật Bản 5.995 lao động (2.826 lao động nữ), Đài Loan 5.337 lao động (1.546 lao động nữ), Hàn Quốc 398 lao động nam, Trung Quốc 173 lao động nam, Ba Lan 153 lao động (37 lao động nữ), Hungari 143 lao động (52 lao động nữ), Singapore 83 lao động nam, Liên bang Nga 78 lao động nam, Malaysia 60 lao động (33 lao động nữ), Hongkong 54 lao động nam...
Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 72.294 lao động (25.093 lao động nữ) đạt 65,72% kế hoạch năm 2023 (năm 2023, kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là từ 110.000 lao động) và gấp hơn 1,55 lần so với cùng kỳ năm ngoái (6 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 46.578 lao động), trong đó thị trường: Nhật Bản 34.508 lao động (14.787 lao động nữ), Đài Loan 31.538 lao động (9.467 lao động nữ), Hàn Quốc 1.608 lao động (53 lao động nữ), Trung Quốc 902 lao động nam (2 lao động nữ), Singapore 727 lao động nam, Hungari 712 lao động (352 lao động nữ), Romani 469 lao động (65 lao động nữ) và các thị trường khác.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, thời gian qua, số lượng lao động đi làm việc tại nước ngoài tập trung chủ yếu ở các thị trường chính như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, chiếm 95% tổng số lao động đi làm việc tại các thị trường. Đây cũng là những thị trường có thu nhập khá cao, điều kiện làm việc tốt, trình độ khoa học công nghệ hiện đại, góp phần giúp người lao động có điều kiện tiếp thu, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp của mình. Sau khi hết thời hạn hợp đồng về nước, với kiến thức, kỹ năng, trình độ chuyên môn đã được đào tạo, làm việc trong môi trường hiện đại, công nghiệp, người lao động đi xuất khẩu lao động trở về sẽ là nguồn lao động tiềm năng, chất lượng cao cho phát triển đất nước. Nhờ kinh nghiệm, người lao động về nước có thể khởi nghiệp, lập thân, lập nghiệp, đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương.
Sẽ xây dựng đề án nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài
Tại phiên chất vấn của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã nhấn mạnh: Đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài là một giải pháp tạo công ăn việc làm, tăng cường thu nhập, tạo điều kiện cho thanh niên có nhu cầu tiếp cận những công việc mới, công nghệ mới, tác phong làm việc mới. Tư lênh ngành LĐ-TB&XH tiếp tục khẳng định, nếu không có thu nhập cao, không có môi trường tốt thì chúng ta không đưa lao động đi.
Để làm được điều đó, vấn đề quan trong nhất hiện nay là nâng cao chất lượng lao động. Lao động Việt Nam hiện có mặt ở hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ và làm việc trong khoảng 30 ngành, nghề khác nhau nhưng phần lớn là làm những công việc phổ thông, không cần đến trình độ tay nghề cao.
Kết quả điều tra lao động việc làm năm 2021 cũng cho thấy, lao động đi làm việc ở nước ngoài đa phần là thanh niên. Tổng số lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài từ năm 2018 đến 2021 là hơn 250.000 người, thì hơn 47% trong số họ có trình độ học vấn cao nhất là cấp trung học phổ thông, trình độ trung học cơ sở là 23,1%.
Ông Nguyễn Gia Liêm- Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, hiện nay, do yêu cầu của sự phát triển khoa học công nghệ khiến nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài có trình độ kỹ năng tại các thị trường ngày càng cao. Do đó, việc nâng cao chất lượng nguồn lao động cần được quan tâm hơn nữa, đòi hỏi sự vào cuộc, nỗ lực từ nhiều phía, Nhà nước, doanh nghiệp và chính bản thân người lao động.
Đây không phải vấn đề bây giờ mới đặt ra mà từ trước đây đã được đề cập nhiều lần. Tuy nhiên, nếu trước đây các nước chủ yếu tiếp nhận lao động phổ thông thì nay có nhu cầu lớn về lao động có trình độ và ngoại ngữ.
Ông Liêm cho biết, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và nhiều quy định pháp luật đã được ban hành nhằm tăng cường công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, khuyến khích, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thời gian tới, chính sách vẫn hướng đến việc tìm kiếm và mở rộng các thị trường an toàn, có thu nhập cao. Thông qua đó, người lao động được học tập, nâng cao trình độ và phát huy được những yếu tố này sau khi về nước.
Để nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ LĐ-TB&XH đã thành lập tổ công tác để hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc gắn kết với các doanh nghiệp tuyển chọn, đào tạo lao động đi làm việc ở nước ngoài, cũng như phối hợp với các trung tâm dịch vụ việc làm để tăng chất lượng nguồn lao động đáp ứng được nhu cầu.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cho biết, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực này đã có nhưng nhiều năm qua mới tập trung vào hỗ trợ cho người lao động nghèo, yếu thế, người lao động ở vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo chứ chưa có chính sách chung về nâng cao chất lượng cho nhóm lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện Cục đang đề xuất để sắp tới sẽ xây dựng đề án để nâng cao chất lượng các nhóm lao động, đồng thời cũng lưu ý các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài chú trọng đào tạo nâng cao tay nghề, ngoại ngữ, kỹ năng làm việc cho người lao động.
Theo baodansinh