Nhiều chuyên gia khẳng định sẽ thua ngay nếu người lao động (NLĐ) chỉ nghĩ đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) là để kiếm tiền. Trong khi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và trải nghiệm được xem là nền móng vững chắc cho sự nghiệp về sau của người đi XKLĐ.
Tư vấn kỹ lưỡng
Vốn đam mê máy móc từ nhỏ, học xong THPT, anh Lê Quang Quý (20 tuổi, quê Bình Định) chọn theo đường thực tập sinh (TTS) đơn hàng lái máy công trình sang Nhật làm việc.
Khi ứng tuyển đơn hàng thông qua Công ty TNHH Hợp tác quốc tế Mai Linh, anh Quý được đơn vị này tư vấn kỹ từng "đường đi, nước bước" để anh theo đuổi đam mê nghề nghiệp. "Tôi được đào tạo tiếng Nhật tương đương N4 nên khá tự tin trong giao tiếp với đồng nghiệp, quản lý trong công ty.
Vì giao tiếp được nên tôi được chủ sử dụng lao động tin tưởng, hỗ trợ, chỉ dạy nên hơn 1 năm tôi đã thành thạo tất cả" - anh Quý cho hay. Không tiết lộ về mức thu nhập, nhưng Quý cho biết đã tiết kiệm được hơn 300 triệu đồng sau 18 tháng làm TTS.
|
|
Tác phong chuyên nghiệp của người lao động được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Ảnh: GIANG NAM |
Sang Hàn Quốc làm việc trong ngành ngư nghiệp theo Chương trình EPS, anh Vũ Văn Giáp (sinh năm 1984, quê Nghệ An) đã nỗ lực làm việc, học tiếng Hàn và học hỏi cách quản lý chuyên nghiệp của người Hàn để về nước khởi nghiệp. Từ một lao động phổ thông, anh Giáp vươn lên trở thành trưởng phòng kỹ thuật cho một DN Hàn Quốc.
Hết hạn hợp đồng, anh về nước thành lập Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ CLC Việt Nam (Bắc Ninh), chuyên sản xuất gia công cơ khí và tráng phủ kim loại, chế tạo khuôn, sản xuất băng tải, băng chuyền cho các thương hiệu Samsung và LG với doanh thu trung bình từ 15 đến 25 tỉ đồng/năm, tạo thu nhập ổn định cho gần 60 nhân viên.
Hai điển hình trên cho thấy khi được định hướng, đào tạo tốt, người đi XKLĐ hoàn toàn có thể xây dựng sự nghiệp của riêng mình sau quá trình làm việc ở nước ngoài. Ông Nguyễn Xuân Lanh, Phó Tổng giám đốc Esuhai Group, một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng, quyết định sự thành bại của NLĐ ra nước ngoài làm việc, đó là đào tạo và giáo dục định hướng.
"Khi NLĐ sang Nhật Bản theo diện TTS, chúng tôi luôn định hướng cho các em rằng đi Nhật không phải chỉ để kiếm tiền, mà đó là một trường học. Công ty chúng tôi đề cao mục tiêu giúp NLĐ tự đặt ra mục tiêu, tự hành động để tạo ra giá trị. Đồng hành với mục tiêu này là những chương trình đào tạo từ kỹ năng, ngôn ngữ, văn hóa và khát vọng vươn lên. Nhờ làm tốt công tác giáo dục định hướng nên đa phần học viên của Esuhai đều có khoảng thời gian làm việc thành công tại Nhật Bản, nhiều người về nước khởi nghiệp hoặc tiếp tục làm quản lý tại các DN Nhật Bản tại Việt Nam" - ông Lanh nói.
Hoạch định tương lai
Đối với Công ty TNHH MTV Phát triển Nhân lực Tocontap Sài Gòn, trọng tâm trong đào tạo chính là chuyên môn và ngoại ngữ. Những đơn hàng ngành nghề nào thì NLĐ phải được đào tạo kỹ lưỡng ngành nghề đó và có sự "sát hạch" của nhà tuyển dụng. Nhờ làm tốt công tác đào tạo nghề và ngoại ngữ, NLĐ nhanh chóng hòa nhịp công việc ở môi trường mới, có ý thức phấn đấu, rèn luyện cho bản thân và tương lai.
Không chỉ định hướng cho học viên, Tocontap Sài Gòn còn phối hợp với gia đình để cùng nhau xây dựng tương lai cho NLĐ. Nhờ mối gắn kết giữa công ty với gia đình mà NLĐ ra nước ngoài yên tâm, vững tin làm việc, học tập nâng cao trình độ, tay nghề, trở thành những nhân sự chất lượng được nhiều DN săn đón.
Cũng đề cao công tác đào tạo, định hướng cho NLĐ trước khi phái cử, Công ty TNHH Tập đoàn Quốc tế Sài Gòn (Saigon Intergco) còn có cách làm hay khi thực hiện trang trọng lễ chào cờ, hát Quốc ca sáng thứ hai đầu tuần. Bà Dương Thị Thu Cúc, Tổng giám đốc Saigon Intergco, cho rằng giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc vô cùng quan trọng đối với mọi công dân Việt Nam và đặc biệt quan trọng đối với NLĐ Việt Nam ra nước ngoài làm việc.
Đây chính là nền tảng để xây dựng hình ảnh NLĐ Việt Nam ở nước ngoài bên cạnh kỹ năng, tay nghề và ngoại ngữ. "Đó cũng là lý do chúng tôi luôn ưu tiên chất lượng mà không theo số lượng, thậm chí khi nghiệp đoàn yêu cầu đi nhanh, công ty sẽ từ chối nếu NLĐ chưa được đào tạo đầy đủ" - bà Cúc cho biết thêm.
Ở góc độ trường đào tạo, ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama2 (tỉnh Đồng Nai), cho biết hiện nay nhiều quốc gia phát triển như Đức, Úc, Hàn Quốc,... mong muốn được đào tạo nhân lực tại Việt Nam để đưa đến nước họ làm việc.
Lilama2 được Chính phủ CHLB Đức và Việt Nam lựa chọn đầu tư để trở thành trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao đầu tiên ở Việt Nam để đào tạo nghề theo chuẩn của Đức cho các ngành như: Hàn công nghệ cao, cơ khí xây dựng, cắt gọt kim loại CNC, cơ điện tử, điện tử công nghiệp.
"Cùng với sự phối hợp chặt chẽ từ các DN đến từ Đức, đến nay Lilama2 đã khẳng định được chất lượng đào tạo, đáp ứng nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước và quốc tế. Nhiều sinh viên đã được các DN Đức tuyển dụng sang làm việc, mở ra cơ hội việc làm quốc tế cho sinh viên trường nghề" - ông Cường chia sẻ.
Khi được định hướng tốt, cộng với nỗ lực của bản thân, tôi nghĩ ai đi XKLĐ trở về cũng có thể thành công" - anh Vũ Văn Giáp bày tỏ. |