Ảnh minh họa
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0) là cơ hội và thách thức lớn của Việt Nam trong bối cảnh thực thi các cam kết của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang cận kề.
Theo dự báo, cuộc cách mạng 4.0 sẽ là nền tảng để nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang nền kinh tế tri thức. Đồng thời, cuộc cách mạng 4.0 cũng tạo ra thay đổi lớn về cung cầu lao động, với sự xuất hiện của công nghệ mới, số lượng nhân viên có thể sẽ giảm còn 1/10 so với hiện nay.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc cách mạng 4.0. Ngành nghề sử dụng lao động phổ thông sẽ chịu tác động lớn và nguy cơ thất nghiệp rất cao. Trong bối cảnh đó, nhiều ngành nghề sẽ biến mất nhưng cũng sẽ xuất hiện nhiều ngành nghề mới.
Như vậy, nguồn nhân lực phải được đào tạo lại, được trang bị những kiến thức, kỹ năng phù hợp. Hiện nay, nước ta không chỉ cạnh tranh với các nước trong khu vực ASEAN mà còn với rất nhiều nước trên thế giới. Nếu Việt Nam không có sự chuẩn bị cần thiết, chắc chắn sẽ hụt hơi, không thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình mà nước ta đang đối mặt.
Nguồn nhân lực hiện nay của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu về chất lượng, cơ cấu lao động còn rất nhiều bất cập. Đặc biệt, năng suất lao động là vấn đề đáng quan tâm nhất. Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế, xã hội, năng suất lao động khu vực nhà nước là thấp nhất. Hiện có 65% chủ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng cách đào tạo kỹ năng trong nhà trường không phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.
Số liệu từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, lực lượng lao động đã qua đào tạo ở trình độ cao đẳng có tỷ lệ thất nghiệp 27,2%, trong khi đó lao động có trình độ sơ cấp và trung cấp nghề chỉ là 5,3 % và 2,2%. Những hạn chế, yếu kém của nguồn nhân lực đang ảnh hưởng rất lớn đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Việt Nam cần đổi mới mạnh mẽ tư duy về giáo dục, đào tạo. Sự thay đổi này đang được thể hiện trong Dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã có hàng trăm nghìn sinh viên tốt nghiệp đại học công lập và hàng chục nghìn sinh viên tốt nghiệp đại học tư thục thất nghiệp. Quý III/2017, số người thất nghiệp có trình độ từ đại học trở lên tăng 53.900 người so với quí II/2017, tương đương 4,51%.
Một hậu quả tiếp theo là sinh viên ra trường vẫn còn mơ hồ về định hướng nghề nghiệp. Việc định hướng cho sinh viên trước và sau khi vào đại học ở nước ta đều rất kém. Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới, việc định hướng nghề nghiệp được tiến hành rất sớm, thậm chí các trường đại học vẫn tiếp tục định hướng cho sinh viên.
Thêm vào đó, nước ta không có dự báo quốc gia về nhu cầu lao động. Theo Quyết định 579 của Thủ tướng Chính phủ, việc dự báo nhu cầu lao động được giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, dự báo nhu cầu đào tạo được giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng trong một phiên chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thừa nhận, việc dự báo nhu cầu đào tạo hằng năm của Việt Nam chưa tốt, cần thay đổi trong thời gian tới.
Một đặc thù của cuộc các mạnh công nghiệp 4.0 là kết nối và chia sẻ dữ liệu. Hiện tại, nước ta đang xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây sẽ là cơ sở dữ liệu gốc để kết nối cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành. Muốn vậy, vấn đề này phải được thể chế hóa trong văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, đến nay, cơ sở dữ liệu quốc gia cho giáo dục đại học lại chưa được quy định trong Luật Giáo dục Đại học.
Dự thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi sẽ được Bộ Giáo dục - Đào tạo trình Quốc hội vào tháng 5 tới, hy vọng sẽ giải quyết được những bất cập liên quan đến đào tạo nhân lực của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong cuộc cách mạng 4.0.
Theo Doanh nhân Sài Gòn