leftcenterrightdel
Anh Trịnh Hoàng Văn cầm trên tay Hợp đồng lao động đã ký để con mình đi làm việc tại Nhật Bản 

Hết nợ, chuộc vuông nhờ con đi làm việc ở nước ngoài

Gia đình ông Phạm Văn Thống (ở Khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời Cà Mau) vừa bỏ ra 5 cây vàng chuộc lại miếng vuông cầm cố vào 4 năm trước. Phần lớn số vàng này được mua bằng tiền người con trai làm việc ở Nhật Bản gửi về. Số tiền 107 triệu đồng vay ngân hàng để con làm thủ tục xuất cảnh đi lao động, gia đình cũng đã trả hết.

Anh Phạm Phương Lâm con ông Thống sau khi hoàn thành nghĩa vụ công an năm 2019 thì quyết định đi làm việc ở Nhật Bản theo Đề án đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của tỉnh Cà Mau. Anh Lâm làm trong lĩnh vực xây dựng, công việc không quá vất vả nhưng mỗi tháng trung bình gửi về cho ba mẹ khoảng 20 triệu đồng. Sau khi hoàn thành 3 năm hợp đồng, anh đã gia hạn làm thêm 5 năm. Không chỉ thường xuyên gửi tiền về cho gia đình, anh Lâm còn khoe với ông Thống, còn tiền tích lũy riêng. Đặc biệt, riêng khoản tiền khoảng 15 triệu đồng để đóng bảo hiểm hàng tháng, tính đến nay anh đã có được khoảng 400 triệu đồng.

Ông Phạm Văn Thống bảo rằng, ban đầu không đành lòng nhưng đến nay đã thấy quyết định cho con trai duy nhất đi làm việc ở Nhật Bản là đúng đắn: "Kinh tế gia đình đỡ nhiều lắm, nhờ con đi Nhật gia đình mới hết khó khăn, trả hết được nợ".

Không tốn tiền cũng đi làm được ở Nhật Bản

Ở cách nhà ông Thống không xa, con gái anh Trịnh Hoàng Văn vừa qua Nhật Bản làm việc được khoảng 1 tuần. Con gái đầu lòng vừa học xong lớp 12 đi nước ngoài một thân một mình, ban đầu anh Văn không đồng ý nhưng khi biết con đi theo diện hưởng chính sách hỗ trợ từ Đề án của tỉnh, anh bằng lòng. Một phần vì trong tổng chi phí 104 triệu đồng để đi, gia đình anh được hỗ trợ khoảng 10 triệu, còn 90 triệu đồng anh được vay từ ngân hàng chính sách địa phương. Phần quan trọng hơn, Trung tâm Dịch vụ Việc làm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau là trung gian và có trách nhiệm trong việc đưa con anh đi làm việc ở Nhật Bản.

leftcenterrightdel
 Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Cà Mau tư vấn cho lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài

Lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh Cà Mau sẽ được hưởng hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức và chi phí làm thủ tục không quá 13.800.000 đồng/lao động. Ngoài ra, người lao động còn được ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ vay chi phí xuất cảnh tối đa 110 triệu đồng/lao động, với lãi suất ưu đãi. Hai khoản tiền này tương đương với tổng chi phí để đi làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Chính sách này được HĐND tỉnh Cà Mau ban hành từ năm 2019 đã giúp công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có nhiều chuyển biến. Như năm 2022, chỉ tiêu đưa 200 lao động đi làm việc ở nước ngoài, kết quả thực hiện vượt gần 30%.

Tuy nhiên, so với tỉnh đứng đầu vùng ĐBSCL về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài những năm qua là Đồng Tháp thì kết quả tỉnh Cà Mau đạt được vẫn rất khiêm tốn. Trong khi Cà Mau đang có chính sách hỗ trợ tốt hơn. Năm 2022, mặc dù ảnh hưởng dịch, Đồng Tháp vẫn có hơn 1.600 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Năm nay, tỉnh Đồng Tháp sẽ đưa 1.500 lao động đi làm việc nước ngoài, còn kế hoạch của tỉnh Cà Mau là 400 người.

Chia sẻ xung quanh vấn đề này, bà Quách Thanh Thoảng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Cà Mau dẫn chứng việc đi học tập, trao đổi kinh nghiệm đưa lao động đi làm việc nước ngoài với một số tỉnh miền Bắc. Khi nói về chính sách hỗ trợ của Cà Mau, cơ quan chức năng các tỉnh này đều phải ngạc nhiên, vì nếu hỗ trợ như vậy tỉnh họ sẽ bị vỡ quỹ, với hàng ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm.

Khó vì quan niệm cố hữu

Bà Thoảng cho biết, cơ quan chức năng địa phương rất quan tâm, trăn trở giải quyết thực trạng đang tồn tại nhưng để thay đổi cần có thời gian, bởi nguyên nhân đến từ quan niệm của người dân Cà Mau. Ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung sau khi người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ gửi tiền về để những người thân đi và cứ thế họ dìu dắt nhau phát triển kinh tế, hình thành nên những “làng biệt thự xuất ngoại”. Còn tại Cà Mau khi con cái có mong muốn đi làm việc ở nước ngoài, cha mẹ là người can ngăn. Tại địa phương còn phổ biến tư tưởng, cuộc sống chỉ cần không lo cái ăn cái mặc là chấp nhận được, phụ huynh không cần con cái phải đi xa để làm giàu cho mình. Cơ quan chức năng phải cùng vào cuộc để tư vấn, hỗ trợ nhưng nhiều trường hợp vẫn không thể thay đổi. Tín hiệu tích cực là thời gian qua, khi nhiều lao động làm việc ổn định ở Nhật Bản, Hàn Quốc mang về nguồn thu ngoại tệ tương đối lớn thì nhận thức của các bậc phụ huynh đã có chuyển biến.

"Phụ huynh họ muốn tận mắt chứng kiến, mường tượng ra con mình đi như thế nào? Nắm bắt được tâm lý đó, Trung tâm luôn sẵn sàng tư vấn rõ ràng nhất. Đến Trung tâm họ sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin và phân tích về các thị trường lao động. Bên cạnh đó, công bố rõ ràng các mức chi phí, tư vấn người lao động được những chính sách gì, bà con bày tỏ phấn khởi. Bà con thấy được sự quan tâm từ những chính sách của tỉnh để tham gia. Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều người đến trung tâm để được tư vấn đi làm việc ở nước ngoài', bà Quách Thanh Thoảng cho biết.

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau quan tâm công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội địa phương mà còn hướng tới, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận với những khoa học, công nghệ tiên tiến, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư, trong đó, có đầu tư từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ông Từ Hoàng Ân, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau nói về giải pháp để tạo đột phá trong thời gian tới: "Cà Mau đang có chính sách phải nói là tốt nhất khu vực ĐBSCL. Đây là điều kiện rất thuận lợi để người dân tham gia đi làm việc ở nước ngoài. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu về chính sách của tỉnh. Hiện các huyện cũng đã xúc tiến và đẩy nhanh tiến độ công tác truyền thông. Sở cũng đã giao cho Trung tâm Dịch vụ Việc làm phát triển hệ thống cộng tác viên ở từng ấp để làm công tác tuyên truyền, tư vấn để đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài".

Theo đề án đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2022 - 2025 của UBND tỉnh Cà Mau, năm 2023, tỉnh sẽ dành gần 50 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Những năm tiếp theo, kinh phí hỗ trợ tăng đều. Với những khoản hỗ trợ và chính sách cho vay đang áp dụng, người lao động Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài sẽ không tốn, hoặc tốn rất ít chi phí./.

Theo vov