Giờ thực hành của điều dưỡng viên đi làm việc tại Nhật BảnChị Nguyễn Thị Vân, SN 1977, ở huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, đang làm việc tại Saudi Arabia, tỏ ra khá ngạc nhiên khi được hỏi về quyền lợi đóng BHXH cho người lao động ở nước ngoài.
Chị Vân cho biết, ở quê chỉ làm nông nghiệp, chưa từng được tham gia BHXH. Trước khi đi xuất khẩu lao động làm nghề giúp việc gia đình tại Saudi Arabia, chị được công ty đạo tạo vỏn vẹn 28 ngày để vừa học tiếng Anh vừa học kỹ năng làm giúp việc. Còn các chế độ chính sách về BHXH, BHYT thì “tuyệt nhiên không thấy công ty đả động tới”.
Còn chị Nguyễn Thị Kim, quê ở Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, đang là lao động xuất khẩu làm điều dưỡng trong một bệnh viện tại Đài Loan (Trung Quốc). Nói về vấn đề này, chị cho biết: Trước khi đi làm việc ở nước ngoài, chị đã có 5 năm đóng BHXH tại quê nhà. Khi trúng tuyển, chị đã đặt vấn đề đóng tiếp BHXH với công ty, nhưng chỉ nhận được được lời hứa: “Sẽ trả lời sau" rồi chìm vào im lặng.
Mong mỏi của chị Kim là được đóng BHXH để có thể an tâm hơn khi có chế độ phòng khi ốm đau, thai sản, thất nghiệp và đặc biệt là có lương hưu làm điểm tựa khi về già. “Đành phải để đứt quãng mấy năm không đóng BHXH, vì chúng tôi không biết tìm hiểu thông tin ở đâu, cách thức đóng tiếp BHXH như thế nào khi đang làm việc ở Đài Loan”, chị Kim nói.
Chính sách BHXH với người đi làm việc ở nước ngoài đã được thực hiện từ khi Luật BHXH năm 2006 có hiệu lực. Thế nhưng qua hơn 10 năm, đến giữa tháng 12/2017, cả nước có trên 400.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhưng có rất ít người lao động tham gia - chỉ có hơn 6.200 người tham gia BHXH, tương đương chỉ có 1,5%.
Theo quy định mới, tại Luật BHXH năm 2014, Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ tham gia BHXH bắt buộc từ 1/1/2018. Trong đó quy định khá linh hoạt cách thức tham gia BHXH của người đi làm việc ở nước ngoài.
Cụ thể: Người lao động có thể lựa chọn đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH tại nơi cư trú trước khi đi làm việc ở nước ngoài; hoặc đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Tuy nhiên, chính sự linh hoạt này lại là kẽ hở tạo ra những bất cập, khó khăn trong việc thu BHXH với người lao động đi xuất khẩu. Trên thực tế, cơ quan BHXH đến đơn vị, doanh nghiệp thu BHXH thì doanh nghiệp cho rằng: “người lao động đóng trực tiếp nơi cư trú” nên doanh nghiệp không thực hiện. Khi cơ quan BHXH triển khai thu trực tiếp từ người lao động thì họ đã đi làm việc ở nước ngoài, rất khó để liên hệ và yêu cầu lao động tham gia BHXH.
Ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng Ban Thu, BHXHVN, cho biết: Cơ quan BHXH vẫn tiến hành thu BHXH người đi lao động ở nước ngoài như với lao động trong nước; tuy nhiên “điều khó nhất là đa số các doanh nghiệp đưa người đi lao động đều trong tình trạng nợ BHXH”. BHXH vẫn đang chờ Chính phủ ra nghị định hướng dẫn về quản lý, xử lý nợ BHXH với các đơn vị, doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Ông Mai Đức Thắng chia sẻ: Thực tế hiện nay, cơ quan BHXH chúng tôi có động thái đến đơn vị, doanh nghiệp để “đôn đốc, thậm chí… năn nỉ các đơn vị cố gắng đóng BHXH cho người lao động” và đảm bảo quyền lợi cho họ.
Theo Phunuvietnam.vn