Thí sinh làm thủ tục thi tiếng Hàn. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Nội dung công văn đã gia hạn ngày tự nguyện về nước tới 20/10, thay vì chỉ tính hết ngày 30/9 như trước.

Nhằm góp phần giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp của Việt Nam tại Hàn Quốc, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang trình Chính phủ kéo dài thời gian miễn xử phạt vi phạm hành chính đối với người lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước đến hết ngày 31/12/2016.

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động và phù hợp với chính sách của phía Hàn Quốc, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị tạo điều kiện cho lao động tự nguyện về nước được tham gia kỳ thi tiếng Hàn cho ngành ngư nghiệp.

Ông Đặng Sỹ Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết thêm, ngoài những lao động tự nguyện về nước, những người lao động vừa tham gia kỳ thi tiếng Hàn trong ngành sản xuất chế tạo (có kết quả ngày 17/10) nếu có nguyện vọng vẫn có thể tiếp tục đăng ký tham gia kỳ thi tiếng Hàn trong ngành ngư nghiệp.

Hạn tiếp nhận hồ sơ đăng ký thi tiếng Hàn là từ ngày 17/10-20/10. Thời gian thi tiếng Hàn trong hai ngày 19-20/11 và thi tay nghề và đánh giá năng lực từ ngày 22/12-25/12. Trong lần tuyển chọn lao động này, chỉ tiêu tuyển chọn là 1.300 lao động.

Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc giao Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) phối hợp với cơ quan chức năng của Việt Nam tổ chức kỳ thi tiếng Hàn ngành ngư nghiệp, chịu trách nhiệm ra đề thi, quản lý đề thi, bài thi, chấm bài và tổ chức kỳ kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực.

Theo kế hoạch, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giao Trung tâm Lao động ngoài nước làm đầu mối phối hợp với phía Hàn Quốc và các cơ quan, đơn vị chức năng của Việt Nam chuẩn bị và tổ chức kỳ thi.

Thí sinh dự kỳ thi tiếng Hàn ngành sản xuất chế tạo. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Người lao động đăng ký dự thi tiếng Hàn trong ngành ngư nghiệp năm 2016 phải có đủ các điều kiện sau: Từ 18 đến 39 tuổi (ngày sinh từ ngày 18/10/1976 đến ngày 17/10/1998); không có tiền án; chưa từng bị trục xuất khỏi Hàn Quốc; không bị cấm xuất cảnh Việt Nam; đủ điều kiện về sức khỏe, không bị mù màu hoặc rối loạn sắc giác; không có thân nhân (bố, mẹ, con đẻ; anh, chị, em ruột; vợ hoặc chồng) đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc…

Ngoài ra, người lao động phải có kinh nghiệm đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản trên biển hoặc đã qua đào tạo và được cấp chứng chỉ đào tạo đối với các ngành nghề liên quan đến ngư nghiệp, chịu được sóng nước để làm việc trên tàu biển.

Chương trình tuyển lao động trong ngành ngư nghiệp dành cho những người lao động đang cư trú tại các huyện ven biển và các huyện đảo thuộc các tỉnh/ thành phố trong cả nước, ngoại trừ 41 quận, huyện tạm dừng tuyển chọn năm 2016 theo Công văn số 2843/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 29/7/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Mặc dù thuộc danh sách tạm dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc nhưng riêng lao động tại 3 huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh); huyện Bố Trạch và Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) do bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường vừa qua nên người lao động vẫn được tham gia chương trình tuyển chọn lao động ngành ngư nghiệp./.

Theo vietnamplus.vn