|
|
Nhung sang Nhật Bản làm việc tại bệnh viện |
Thay đổi môi trường làm việc
Tháng trước, Nguyễn Thị Nhung (28 tuổi, quê Đắk Lắk) tranh thủ ngày nghỉ, vào bếp nấu phở mời cô bạn người Nhật. Dù còn thiếu nhiều nguyên liệu nhưng món phở của Nhung khiến người bạn này thích thú.
Nhung quen biết cô bạn này sau 1 năm làm việc tại Kyoto, Nhật Bản. Năm ngoái, Nhung sang Nhật bằng visa Tokutei (còn gọi là Tokutei Ginou, visa kỹ năng đặc định) ngành Hộ lý điều dưỡng (tiếng Nhật là Kaigo).
Trước đó, Nhung từng làm dịch vụ chăm sóc trẻ sơ sinh, thai phụ và bà mẹ sau sinh. Vốn thích công việc chăm sóc con người, cô sang Nhật để thử sức và phát triển kỹ năng.
Hiện cuộc sống ở Nhật của Nhung còn nhiều khó khăn. Cô gặp trở ngại lớn nhất là ngôn ngữ, sau đó đến văn hóa, lối sống, thời tiết,…
Nhung cho biết, hộ lý thường làm việc tại bệnh viện và viện dưỡng lão. Trong đó, làm việc ở viện dưỡng lão sẽ vất vả và căng thẳng hơn.
Nhung may mắn được nhận vào làm ở bệnh viện. Hàng ngày, Nhung chịu trách nhiệm hỗ trợ bệnh nhân ăn uống, thay tã, tắm rửa và đưa họ đến phòng khám bệnh, xét nghiệm,…
Lúc đầu, do vốn tiếng Nhật còn ít ỏi nên Nhung chưa kịp thích ứng, làm việc không trơn tru. Cô bị đồng nghiệp bắt bẻ, làm khó đủ chuyện.
|
|
Công việc của hộ lý vất vả nhưng nhiều ý nghĩa |
Có lần, Nhung căng thẳng, tủi thân, nước mắt rưng rưng. Một cụ bà người Nhật đã đến ôm cô và vỗ về, an ủi. “Lúc đó, tôi có cảm giác đang ở bên cạnh bà ngoại nên bất giác òa khóc nức nở”, Nhung tâm sự.
Được cụ bà động viên, Nhung thấy lạc quan và vui vẻ hơn. Cô cảm nhận xung quanh vẫn ngập tràn tình yêu thương.
Thù lao đặc biệt của hộ lý
|
|
Nhung sẵn sàng làm trò vui, tết tóc,... phục vụ bệnh nhân |
Tại bệnh viện, Nhung làm việc theo giờ hành chính, một tháng có 9 ngày nghỉ. Trong đó, Nhung được chọn 3 ngày, còn lại do bệnh viện sắp xếp.
Ngoài ra, Nhung còn đăng ký trực thêm ca đêm. Một tháng, cô sẽ trực đêm khoảng 8 - 9 ngày, tùy sắp xếp của bệnh viện. Mỗi ca trực kéo dài 16,5 tiếng đồng hồ, từ 16h hôm trước đến 8h30 ngày hôm sau.
Trước ca trực, Nhung cố gắng ngủ bù, rèn ngủ đúng giấc. Giữa ca trực đêm, cô được giải lao 2,5 tiếng đồng hồ. Sau giờ nghỉ, cô uống trà liên tục để tỉnh táo. Tuy nhiên, mẹo này khiến cô bị rối loạn giấc ngủ.
Nhung chia sẻ: “Làm đêm khá mất sức, ảnh hưởng đến sức khỏe. Tôi khuyên các bạn nếu được thì đừng lựa chọn trực đêm. Hiện, tôi vừa làm vừa học đại học, chuẩn bị thi chứng chỉ tiếng Nhật và chứng chỉ cao hơn của ngành Hộ lý điều dưỡng.
Vì vậy, tôi chọn trực ca đêm để có thêm trợ cấp”.
|
|
Cô gái Việt nhận được nhiều yêu thương từ các cụ bà người Nhật |
Công việc của Nhung đòi hỏi tính kiên nhẫn, tiếp thu và lắng nghe câu chuyện của bệnh nhân. Đối với bệnh nhân lớn tuổi, Nhung càng phải kiên trì, bình tĩnh trong mọi tình huống.
“Một số cụ già nhập viện với tinh thần không minh mẫn, có hành động và lời nói không chuẩn mực. Khi bị các cụ xô đẩy hoặc mắng chửi, tôi nhẹ nhàng giải thích, đồng thời nhờ y tá và bác sĩ hỗ trợ”, Nhung cho biết.
Ở Nhật, người thân không cần vào bệnh viện chăm sóc bệnh nhân. Vì vậy, họ đặt hết niềm tin vào đội ngũ hộ lý và y bác sĩ.
Khi vào ca trực, Nhung sẵn sàng làm mọi yêu cầu chính đáng của người bệnh. Cô sẵn sàng làm hề, tết tóc, may vá quần áo, dắt họ đi dạo,…
Nhờ tinh thần làm việc “như người nhà của bệnh nhân”, cô được các cụ bà thương mến. Các cụ thường tặng cô quà bánh, khăn len tự đan, gửi thư tay cảm ơn…
|
|
Quà và thư tay của bệnh nhân tặng cho Nhung |
Mới đây, 2 cụ bà đã nhờ nhân viên bệnh viện chuyển đến Nhung bức thư tay với nội dung: “Cảm ơn cháu đã giúp đỡ chúng tôi trong thời gian dài. Giữ gìn sức khỏe, cố gắng trong công việc nhé, cảm ơn cháu rất nhiều”.
Nhận được thư, Nhung rất xúc động và hạnh phúc. Cô biết ơn tình thương của các cụ dành cho mình. Với Nhung, các cụ khỏe mạnh chính là thù lao đặc biệt khiến trải nghiệm của cô ở Nhật Bản thêm thú vị và ý nghĩa.
Theo vietnamnet